Bác sĩ đang khám cho một trẻ bị SXH tại BV Nhi Đồng 2. Ảnh: H.Triều |
Mùa mưa là thời điểm thích hợp để nhiều loại dịch bệnh sinh sôi, nảy nở như sốt xuất huyết (SXH), cảm mạo… Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh SXH, và trẻ em dưới 5 tuổi luôn chiếm số đông. Thế nhưng, không ít phụ huynh vẫn còn “luống cuống” trong việc nhận biết bệnh cũng như sơ cứu cho con trước khi nhập viện.
Chẩn đoán sai bệnh
Khi thấy trẻ sốt, nhiều phụ huynh tưởng con mình chỉ bị cảm nhẹ nên thường ra tiệm thuốc Tây kể bệnh, mua thuốc. Bên cạnh đó, họ còn không cho trẻ ăn một số loại trái cây, thực phẩm hay chườm nước đá hạ sốt, cho con uống nhiều nước để cơ thể không mất nước… Thế nhưng, nếu cha mẹ chăm sóc trẻ không đúng cách sẽ gây khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh SXH. Cũng vì sự chủ quan của người lớn mà nhiều trẻ phải nhập viện khi bệnh đã trở nặng, có những biểu hiện như co giật, ói, tiêu ra phân đen…
Chị Trần Thị Hạnh từ Tây Ninh đưa con lên Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 khám khi cháu Hoàng Lan (4 tuổi) sốt được 3 ngày. Đến ngày thứ tư, bác sĩ kết luận cháu bị SXH. Thấy con sốt bình thường như những lần trước, chị mua thuốc hạ sốt cho bé uống, nhưng lần này, bệnh bé Lan không thuyên giảm mà còn có triệu trứng ói. Sợ con mất nước, chị Hạnh cho bé Lan uống nước, thế nhưng do đang bị sốt, trong người mệt mỏi nên bé không chịu uống. Ngày thường, bé Lan rất thích Coca cola, thiết nghĩ đó cũng là nước nên chị Hạnh mua và dỗ ngọt cho con uống. Nhưng việc chị Hạnh cho bé Lan uống Coca cola làm cho phân tiêu có màu đen khiến bác sĩ gặp khó khăn trong quá trình chẩn đoán bệnh SXH.
Em Nguyễn Mạnh Hoàng (Q.Bình Tân) được đưa đến BV Nhi Đồng 2 khi đã sốt trên 40 độ. Trước đó, Hoàng cũng chỉ sốt nhẹ, chị Thu Hương – mẹ Hoàng bèn mua thuốc hạ sốt, chườm nước đá cho con. Sau hai ngày, thấy Hoàng không sốt cao nữa, chị Hương nghĩ con đã khỏi bệnh nên yên tâm. Nhưng chỉ qua một đêm, Hoàng có triệu chứng ói, chảy máu chân răng, lúc này gia đình mới đưa Hoàng đến BV và phát hiện em đã sốt lên đến cấp độ III – một cấp độ rất nguy hiểm.
Không riêng gì chị Hạnh, chị Hương, khi thấy trẻ bị sốt, các ông bố bà mẹ thường tự ý chữa trị cho con. Bác sĩ Trần Thị Thúy – Phó trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Bệnh này diễn biến dai dẳng, phức tạp. Nhiều trường hợp bệnh nhân đã giảm sốt nhưng ngược lại, đây là triệu chứng của SXH – điều khiến nhiều bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn. Do đó, khi trẻ bị sốt, tốt nhất cha mẹ nên đưa các em đến trung tâm y tế gần nhất khám, đừng tự chữa trị cho con tại nhà vì như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”.
Cách đề phòng
SXH do vi rút Dengue gây nên và thủ phạm trung gian truyền bệnh chính là muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa và phát triển mạnh ở những vùng sông nước, khu vực ẩm thấp, tối. Chính vì vậy, việc dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, xịt thuốc diệt muỗi, tránh cho trẻ chơi ở những nơi tối, ẩm thấp… là những việc chúng ta nên làm. Cha mẹ nên hạn chế bôi các loại kem chống muỗi cũng như sử dụng nhang trừ muỗi vì có nhiều trẻ dị ứng với các loại chất này.
“Những ngày đầu, SXH có triệu chứng như sốt bình thường do cảm mưa, cảm nắng… Nhưng khi bệnh nhân sốt cao liên tục từ 3 đến 7 ngày, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, đè lên không biến mất, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiêu phân đen, tiểu ra máu, bầm chỗ chích, đau bụng thì đây là những triệu chứng của SXH. Khi bệnh dẫn đến sốc (trụy tim mạch) – là biểu hiện nặng nhất. Trường hợp khi bệnh nhân hạ sốt, nếu tái phát rất dễ rơi vào tình trạng sốc. Lúc này bệnh nhân có biểu hiện: lừ đừ, bứt rứt, tay chân lạnh, rịn mồ hôi, da tím, ói nhiều hoặc đau bụng nhiều, tiểu ít… Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân rất dễ bị sốc không phục hồi được dẫn đến tử vong”, bác sĩ Trần Thị Thúy cho hay.
Ngọc Trinh
Bác sĩ Trần Thị Thúy khuyên nên hạ SXH cho trẻ bằng Paracetamol, uống nhiều nước, tốt nhất là nước dừa (tránh sử dụng những loại nước sẫm màu vì nó làm cho phân tiêu màu đen, gây khó khăn trong việc chẩn đoán). |
Bình luận (0)