Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: I.T |
Vì muốn trốn khỏi cảm giác vướng víu, mỏi sống mũi, nặng hai kẽ tai… của cặp kính cận có gọng hay muốn cặp mắt của mình trở nên long lanh hơn, nhiều bạn trẻ đã tìm đến kính sát tròng (KST). Nhưng, việc dùng KST cũng gây ra không ít “phiền toái” cho mắt bởi người sử dụng dùng không đúng cách cũng như không đúng bệnh.
Rắc rối từ sự tiện lợi
Mặt hàng KST được nhập vào nước ta từ hơn 10 năm nay với đa dạng kiểu loại như kính tiếp xúc cứng, tiếp xúc mềm, kính thấm khí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Người bị cận thị, viễn thị, loạn thị… có thể dùng KST để điều chỉnh tật khúc xạ. Ngoài ra, KST còn giúp cho người bình thường thay đổi màu mắt, và làm tròng mắt to ra, trông mắt đẹp hơn, long lanh hơn.
“Chỉ cần dùng hai ngón tay vạch nhẹ hai mí mắt là để được KST vào mắt. Từ khi thay chiếc kính cận hơn 6 độ, dày cộp nặng trịch bằng loại KST mềm, mắt mình không còn bị đờ, vướng víu bởi gọng kính, có cảm giác thật khi nhìn mọi thứ” – Trần Thu Hà, sinh viên ĐH Kinh tế cho biết.
Còn Trần Khánh Phương – cây văn nghệ của Trường ĐH Hồng Bàng luôn muốn thay đổi màu mắt trong các buổi biểu diễn, giao lưu trong và ngoài trường nên mỗi lần biểu diễn, bạn diện cho mình một loại KST có màu khác nhau như: nâu, hạt dẻ hay xanh dương. Dùng được vài tháng, Phương quyết định từ giã KST vì: “Những ngày đầu mới đeo, mình thường xuyên bị chảy nước mắt. Nghĩ sau vài lần sẽ quen nên mình không nhỏ thuốc. Mỗi lần đeo, mắt mình đều có cảm giác rát và khó chịu. Vội vàng đi khám mới hay do đeo quá giờ quy định nên mắt thiếu oxy và tệ hơn nữa, mỹ phẩm tô mắt bay vào đã làm mắt bị nhiễm trùng” – Phương tâm sự.
Rất nhiều bạn trẻ sau khi sử dụng KST được một thời gian đành phải từ bỏ bởi gặp sự cố như nhìn bị mờ, ngứa, cảm giác xốn, trường hợp nặng hơn là trầy xước giác mạc…
Bác sĩ Trần Hải Yến – Trưởng khoa Khúc xạ BV Mắt TP.HCM chia sẻ: “Việc người bệnh thay kính gọng bằng KST cho tiện lợi cũng là điều dễ hiểu, thế nhưng không phải ai cũng có thể đeo loại kính này. Đặc biệt người bị cận thị, sau khi điều trị bằng Laser Excimer (LASIK, PRK, EpiLASIK, LASEK) độ cong giác mạc thay đổi. Chính vì vậy, họ khó có thể thích nghi với KST do giác mạc trở nên dẹt hơn mức bình thường”.
Cẩn trọng khi dùng
KST là một thấu kính hình chảo, có độ cong phù hợp nên ôm sát vào giác mạc, không bị tuột ra. Khi bám vào giác mạc, giữa bề mặt giác mạc và KST là một lớp nước mắt rất mỏng giúp kính di chuyển ở mức cần thiết, giảm cơ hội bám đọng các chất cặn cũng như vi khuẩn. Ngoài ra, lớp nước mắt này còn giúp hạn chế tối đa vi chấn thương và trầy xước giác mạc. KST được làm bằng chất liệu tổng hợp đặc biệt, có tính ngậm nước (KST mềm) hoặc cho phép oxy thấm qua (KST cứng) nhằm đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của mắt.
KST sử dụng khá đơn giản nhưng người dùng cần tuân thủ những chỉ dẫn chuyên môn để đảm bảo an toàn cho mắt và ngăn ngừa các tác dụng không mong muốn. Việc đeo không đúng cách hay quá lạm dụng trang điểm cho mắt sẽ dẫn đến nhiều tác hại như: trầy xước, viêm loét, nhiễm trùng giác mạc. “Nếu điều trị không hiệu quả những tổn thương này có thể dẫn đến sẹo giác mạc làm giảm thị lực hoặc gây mất thị lực toàn bộ và vĩnh viễn. Thường gặp nhất là bệnh lý biểu mô, do những lớp tế bào ngoài cùng của giác mạc bị tổn thương khi dùng kính không phù hợp, không đúng cách hoặc không đủ nước mắt”, bác sĩ Hải Yến nói.
KST tiếp xúc trực tiếp với mô sống của cơ thể đó là giác mạc. Do vậy, người dùng phải rửa tay sạch sẽ trước khi lắp và tháo kính. Ngâm bảo quản kính trong dung dịch theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất. Thay kính định kỳ theo đúng thời gian cho phép sử dụng. Không đeo qua đêm với những loại chỉ đeo ban ngày. Cần nhỏ thêm nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt và bảo vệ biểu mô giác mạc.
Ngọc Trinh
“Điều kiện cần cho một đôi mắt khỏe mạnh là nên ăn uống đủ chất, làm việc và sử dụng mắt hợp lý, điều độ, sử dụng mắt cho các việc nhìn gần và xa xen kẽ, chơi thể thao. Với trẻ em, khi cần đeo KST để điều trị nhược thị do bất đồng khúc xạ cần có sự giúp đỡ của cha mẹ”, bác sĩ Hải Yến khuyến cáo như thế! |
Bình luận (0)