Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh

Tạp Chí Giáo Dục

 

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh mắt. Ảnh: I.T

Những ngày này, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang vào mùa của dịch bệnh đau mắt đỏ (BĐMĐ). Riêng TP.HCM, tuy số ca mắc bệnh chưa nhiều nhưng việc học sinh đồng loạt trở lại trường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát. Vậy, bệnh này có triệu chứng như thế nào, phòng tránh ra sao?
Đầu năm học 2009-2010, BĐMĐ hoành hành tại TP.HCM. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mắt TP khám và điều trị cho cả ngàn trường hợp mắc bệnh. Dịch bệnh lây lan vào nhiều trường học trên địa bàn thành phố với cả trăm học sinh bị đau mắt đỏ phải nghỉ học.
Cách nhận biết BĐMĐ
BĐMĐ thường gọi là bệnh viêm kết mạc, là một bệnh phổ biến, dễ lây lan và phát triển thành dịch. Bệnh này gây thành dịch thường do siêu vi gây nên, do đó dễ lây lan, triệu chứng phát triển nhanh, rầm rộ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và công việc của người bệnh. Bệnh thường khỏi sau 1-2 tuần, không để lại di chứng. Tuy vậy, nếu không biết cách chăm sóc, bệnh sẽ kéo dài kèm theo những biến chứng gây giảm thị lực. Bệnh thường xuất hiện đột ngột, cấp tính ở một mắt hoặc cả hai mắt cùng lúc với các triệu chứng như: mắt có ghèn, ghèn dính nhiều ở lông mi khi ngủ dậy khiến người bệnh không thể mở được mắt ra. Thậm chí trong lúc làm việc, ngồi học, ghèn cứ chảy ra hoài. Lúc mới mắc bệnh, mắt thường không đau, có trường hợp thấy khó chịu hoặc có cảm giác cộm xốn như có vật lạ trong mắt. Mắt đỏ, mí mắt sưng, thị lực không giảm và thường nổi hạch trước tai. Sau vài ngày mí mắt có thể sưng húp, ra nhiều ghèn. Khi có cảm giác đau nhức mắt, nhìn mờ như qua màn sương là đã tổn thương giác mạc, những biến chứng bắt đầu xuất hiện. BĐMĐ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhất là những nơi tập trung đông người như trường học, ký túc xá, khu công nghiệp…
Bệnh lây chủ yếu bởi dịch tiết viêm (ghèn) thông qua tay. Cụ thể như người bệnh lấy tay dụi mắt, sau đó sờ tay lên bàn. Người lành bệnh đặt tay lên bàn rồi lấy tay dụi mắt thế là lây bệnh. Hay người bệnh sau khi chạm vào mắt đã bắt tay người lành bệnh, người lành bệnh lại đưa tay lên mắt và lây bệnh. Ngoài ra, người bệnh và người lành bệnh dùng khăn tay chung cũng lây bệnh.
Không chỉ có vậy, BĐMĐ còn lây qua đường hô hấp. Do nước mắt của người bệnh chảy xuống mũi, rồi xuống miệng, sau đó hắt hơi, các siêu vi từ đó phát tán ra xung quanh truyền bệnh cho người lành…
Điều trị và phòng tránh
Khi mắc bệnh, người bệnh nhỏ mắt bằng dung dịch kháng sinh như Neocin, Tobramycin từ 6-8 lần/ngày, rửa sạch ghèn bằng nước muối sinh lý (Efticol). Không dùng khăn lau ghèn mà dùng bông gòn sạch hoặc khăn giấy sạch lau ghèn. Khăn giấy và bông gòn chỉ dùng một lần rồi bỏ. Cần tránh tiếp xúc với gió bụi, đeo kính bảo hộ khi cần thiết. Tuyệt đối không sử dụng những thuốc nhỏ mắt có corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, không được dùng các loại lá cây để rửa mắt vì rất dễ gây nhiễm trùng mắt dẫn đến biến chứng…
Sau 3 ngày tự điều trị tại nhà, nếu không giảm hoặc có dấu hiệu nhìn mờ và đau nhức mắt thì phải đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị.
Cách phòng tránh lây lan ra cộng đồng: rửa tay trước và sau khi nhỏ mắt, không để ghèn dính bám nhiều ở mi mắt, không bỏ giấy – bông gòn đã lau mắt bừa bãi mà phải gói lại rồi bỏ vào thùng rác. Khi bị bệnh, người bệnh nên nghỉ làm, nghỉ học, tránh tham gia sinh hoạt nơi đông người nhằm hạn chế sự lây lan cho người khác. Trong trường hợp bắt buộc phải đi làm, đi học thì người bệnh cần đeo khẩu trang để hạn chế việc lây lan cho người khác qua đường hô hấp. Người bệnh phải đeo kính nhằm hạn chế việc lấy tay dụi mắt…
BS. Trần Huy Hoàng
(Bệnh viện Mắt TP.HCM)
BĐMĐ thường do bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Vì vậy, ngoài biểu hiện viêm ở kết mạc, bệnh nhân có thể viêm họng. Bệnh thường xuất hiện vào thời gian sau đợt mưa, lụt. Khi trời nắng ráo, đất cát khô, gió bụi bẩn, nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân của đau mắt đỏ.

 

Bình luận (0)