Tòa soạnThư đi – tin lại

Mùa hè không phải là… học kỳ 3

Tạp Chí Giáo Dục

Vậy là năm học 2014-2015 kết thúc. Giáo viên (GV) và học sinh (HS) bước vào thời gian nghỉ hè. Ai đã từng trải qua những năm tháng cắp sách đến trường đều cảm thấy học hành là một công việc hết sức gian nan và nhọc nhằn, suốt một năm học, ngày này qua ngày khác, không một HS nào lại không trông mong đến mùa nghỉ hè.

Người học nhọc nhằn, người dạy càng lao tâm khổ trí hơn nên nghề dạy học dân gian hay gọi là nghề “bán cháo phổi”. Vì lẽ đó người dạy cũng trông mong đến mùa nghỉ hè không kém HS. Họ trông đợi để nghỉ ngơi, lấy lại sức, cân bằng trạng thái tinh thần sau những tháng nặng nề với bao công việc hành chính ngày một nhiều và áp lực từ phía xã hội, ngành giáo dục và cả những phụ huynh HS. Nghỉ hè để giúp HS giảm bớt sự sợ hãi việc học tập: Học thêm, học phụ đạo, học bồi dưỡng, học tăng tiết… giúp người thầy có điều kiện quan tâm đến mái ấm gia đình.

Có ngày hè tất phải có việc nghỉ hè để đầu óc HS được thư giãn. Ảnh: I.T

Vậy mà mấy năm gần đây mùa nghỉ hè không còn mang đúng ý nghĩa của nó. Trong lúc HS đang túi bụi lo ôn tập học kỳ 2 thì nhiều phụ huynh đã nghĩ đến chuyện cho con học hè. Và với nhiều thầy cô giáo và HS, những ngày hè trở thành… học kỳ 3 kể từ ngày việc dạy thêm, học thêm được thừa nhận. Với HS tiểu học, do điều kiện tâm sinh lý các em, nên việc ép buộc kéo dài việc học sẽ trở nên quá tải. Vậy mà phụ huynh cứ đợi tới hè là cho con đi học. Trong khi nhà thầy cô đâu phải ai cũng rộng rãi, đúng chuẩn nên cảnh học nằm, học đứng là không tránh khỏi. Đó là chưa kể việc bị ô nhiễm bởi điều kiện chung quanh. HS bậc trung học phụ huynh muốn cho con học ngoài yếu tố kiến thức còn đỡ phải trông coi vì sợ vướng vào các tệ nạn xã hội. Đối với GV ngoài chuyện dạy thêm cũng không được nghỉ hè một cách trọn vẹn do nhà trường điều đi học chính trị, điều tra phổ cập, làm hồ sơ xét tuyển vào lớp đầu cấp, học chuyên môn… Cách đây 15-20 năm, kỳ nghỉ hè được đúng 3 tháng, kéo dài từ sau ngày Tết thiếu nhi 1-6 đến hết tháng 8, giờ chỉ còn hơn tháng rưỡi. Chưa lấy lại sức đã phải lo cho năm học mới.

Thiết nghĩ đã có ngày hè tất phải có việc nghỉ hè để đầu óc HS được thư giãn, GV lấy lại sức, cân bằng trạng thái tinh thần. Hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt xén thời gian nghỉ hè của GV cũng như HS cho những công việc ngoài mục đích nói trên. Những việc làm “ngụy trang” dưới hình thức này hay hình thức khác nhằm biến mùa hè thành… học kỳ 3 cần phải loại trừ dứt khoát. Nếu việc học hè cần cho một số đối tượng thì cũng cần cho các em này nghỉ một thời gian mới học nhưng phải do nhà trường đứng ra tổ chức. Nghỉ hè cần dành cho HS nhiều thời gian sống với gia đình, giúp cha mẹ một số công việc, các em có dịp vun bồi thêm tình cảm gia đình đã là một sinh hoạt rất tốt. Đối với GV, cần xóa bỏ suy nghĩ của một số quan chức hay người dân cho rằng: GV được ngồi không hưởng lương nên tìm cách bày vẽ thêm việc trong hè cho xứng đáng với đồng lương. Nghĩ như thế là quá thiển cận vì nghề dạy học có đặc thù riêng không phải như công việc hành chính bình thường như các ngành khác. Theo khoản 3, điều 5 quy định chế độ làm việc đối với GV phổ thông, ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21-10-2009 của Bộ GD-ĐT: Thời gian nghỉ hè của GV thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Hoàng Danh (Nhà giáo ở Tiền Giang)

 

Bình luận (0)