Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng tránh các dịch bệnh trong hè

Tạp Chí Giáo Dục

Để đảm bảo sức khỏe trong mùa hè, phụ huynh nên cho con cái ăn uống hợp vệ sinh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.T
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều dịch bệnh phát triển, đây cũng là thời điểm trẻ được nghỉ hè, hướng đến nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Làm sao để trẻ vui chơi hợp lý cũng như ăn uống sao cho phù hợp với sức khỏe, tránh các dịch bệnh mùa hè, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Lê Kim Huệ, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục Sức khỏe (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM).
PV: Thưa bác sĩ, các dịch bệnh nào thường xuất hiện trong thời tiết nắng nóng và mức độ nguy hiểm ra sao?
Bác sĩ Lê Kim Huệ:Thời tiết nắng nóng luôn là điều kiện cho nhiều dịch bệnh phát triển như:cảm cúm, viêm mũi – họng, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Trong đó, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng thường tăng cao (So với cùng kỳ của năm 2010, bệnh sốt xuất huyết tăng gấp đôi, bệnh tay chân miệng tăng hơn 80 trường hợp. Đã có 3 đến 4 trường hợp tử vong do phát hiện trễ).
Đối với các loại bệnh, diễn tiến bệnh thường phức tạp. Giai đoạn ủ bệnh thường âm thầm, kéo dài, các biểu hiện của bệnh có thể giống nhau. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cho trẻ.
Vậy cha mẹ nên làm gì để hạn chế những bệnh này với trẻ?
Các bệnh thường gặp như trên, tuy tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa được. Bệnh thường tăng cao ở trẻ em trong các trường học, khu dân cư đông đúc. Môi trường đông đúc là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt hiện nay, tình hình dân cư, khách vãng lai tập trung khá đông tại TP.HCM, vì thế phụ huynh nên chú ý: Hạn chế cho trẻ tập trung những nơi đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; Giữ gìn vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh; Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ như tắm, gội hàng ngày để tránh ngứa ngáy, khó chịu do nắng nóng, mồ hôi…; Rửa tay sạch cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Không cho trẻ sử dụng thức ăn, thức uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Giữ ấm cho trẻ, tránh nằm ngủ ngay hướng quạt hay máy lạnh; Cho trẻ ngủ mùng, mặc quần áo phủ kín tay chân để tránh muỗi đốt.
Tránh trường hợp các bậc phụ huynh thấy con có những biểu hiện như sốt, ho, quấy khóc hay loét miệng, nổi bóng nước vùng mông và đầu gối thường xuất hiện trên nền hồng ban (phần lớn dấu hiệu này là biểu hiện của bệnh tay-chân-miệng) rồi cứ nghĩ là những bệnh lí bình thường nên tự ý mua thuốc về điều trị cho con. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì nếu như trẻ trở bệnh nặng mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn uống thế nào cho phù hợp để tránh một số bệnh?
Vào mùa hè, thời tiết khắc nghiệt vì nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, đỉnh điểm từ 12g trưa. Cơ thể trẻ sẽ mất nước qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở… Để duy trì lượng nước cho cơ thể và bù lại lượng nước đã mất, các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống nước chín (nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai), nước ép trái cây tươi (cam, bưởi, táo, nho, dưa hấu…); nước canh các loại rau, củ… Hạn chế các loại nước ngọt có gas, vì trẻ uống nhiều sẽ gây biếng ăn, đầy hơi, thừa cân – béo phì… Những loại nước uống có đường, có phẩm màu, được bày bán trước cổng trường, lề đường là những loại thức uống tự pha chế, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu uống, dễ dẫn đến bệnh tiêu chảy, không những ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn là nguồn lây lan các dịch bệnh trong cộng đồng, vì thế cha mẹ nên lưu ý.
Mùa hè, cũng là thời điểm trẻ nghỉ học, vậy phụ huynh nên cho con chơi những loại trò chơi nào tốt cho sức khỏe?
Để trẻ được vui chơi, giải trí sau thời gian dài học tập căng thẳng, các bậc phụ huynh nên chọn những loại hình vui chơi phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ: Đối với trẻ nhỏ (tuổi mầm non, mẫu giáo): Có thể cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng, vừa sức của trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy (ghép hình, xếp hình khối, phân biệt màu sắc, nhà banh, nhà hơi, vẽ tranh, nặn đất sét…) tại các nhà văn hóa thiếu nhi hay các khu vui chơi khác; Đối với trẻ lớn hơn, có thể tham gia các loại hình sinh hoạt tập thể (Đoàn Đội). Hoạt động này giúp trẻ phát huy tính đồng đội, khám phá thiên nhiên. Hay cho trẻ chơi những loại hình vận động để phát triển thể lực như: bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, đá cầu, nhảy dây, lắc vòng… Ngoài ra, trẻ có thể tham gia các hoạt động “tĩnh tại” như vẽ tranh, chơi đàn, cờ vua, cờ tướng… giúp trẻ phát triển tư duy và năng khiếu. Tuy nhiên phụ huynh cần chú ý các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra đối với trẻ khi vui chơi trong những ngày hè: say nắng, chết đuối, chấn thương do té ngã…
Xin cảm ơn bác sĩ!
Trinh Ngọc

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu Trang, Phó khoa Nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM khuyến cáo: “Mùa hè, cha mẹ thường cho trẻ về vùng quê chơi, nên chú ý không nên cho trẻ chơi với chim, cò hay động vật như chó. Với chim, cò là những loại động vật rất thích mổ vào tròng mắt của con người. Tai nạn này làm tổn thương con ngươi của mắt dễ dẫn đến mù lòa. Còn chó thường thích liếm và cắn vào mặt trẻ. Có không ít trường hợp đến điều trị tại bệnh viện vì bị chim, cò mổ vào tròng mắt hay bị chó cắn vào mặt ảnh hưởng không nhỏ đến mắt”.

 

Bình luận (0)