Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phòng tránh bệnh cho trẻ trong mùa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Đảm bảo vệ sinh ăn uống là một cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm đường ruột cho trẻ. Ảnh: H.Triều
Mùa hè với khí hậu nóng, oi bức là yếu tố thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại bệnh: các bệnh liên quan đến thời tiết (say nắng, cảm lạnh, tiêu chảy, viêm mũi – họng, viêm phổi, chốc lở, rôm sảy…), các bệnh truyền nhiễm đường ruột (tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tả, lỵ, thương hàn…). Nên có cách để phòng tránh những bệnh này cho trẻ.
Các bệnh viêm đường hô hấp, bệnh ngoài da
Trời nóng nực khiến trẻ khó chịu, mất nhiều mồ hôi gây ra khát, để giải nhiệt thì mọi người có xu hướng dùng nước đá lạnh. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân làm cho siêu vi và vi trùng ở vùng hầu họng phát triển gây viêm hô hấp trên, sốt siêu vi có hay không kèm phát ban. Khi mắc bệnh, trẻ có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, xuất hiện ban đỏ lúc đầu ở mặt, sau lan xuống bụng, chân tay và cũng có thể diễn tiến đến viêm phế quản. Ho là triệu chứng chủ yếu thường gặp, lúc đầu trẻ bị ho khan, ho từng cơn và thường ho vào ban đêm, sau đó có sốt nhẹ, trẻ lớn có thể thấy đau ngực. Bệnh viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải, đa số bệnh khỏi sau một tuần. Bệnh có thể tái phát và cũng có thể diễn tiến đến viêm phổi hay gây ra viêm tai giữa. Ngoài nước và thức ăn lạnh, việc sử dụng máy lạnh quá lạnh, dùng quạt thổi thẳng vào người, thay đổi nhiệt độ đột ngột từ bên ngoài trời quá nóng đến vào trong phòng quá lạnh cũng là nguyên nhân gây bệnh. Máy lạnh cũng làm cơ thể mất nước nhiều hơn.
Để phòng chống các bệnh lý đường hô hấp này, chúng ta phải hạn chế uống nước đá quá lạnh, nếu quá khát và nóng thì hãy dùng nước lọc. Không nên để máy lạnh quá lạnh, phải thay đổi nhiệt độ trong phòng dần dần để cơ thể thích nghi. Để quạt xoay chứ không đứng yên một chỗ thổi thẳng vào người. Cũng cần chú ý bù đủ nước mất cho cơ thể, cung cấp nhiều vitamin từ trái cây, rau tươi để tăng cường sức đề kháng.
Mùa hè là lúc trẻ dễ bị rôm sảy và nhiễm trùng da do đổ mồ hôi quá nhiều. Để phòng tránh nên tắm gội hằng ngày cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và hút mồ hôi, thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi, nhất là ở những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm. Tránh để trẻ gãi hay “giết” rôm sảy để không làm tổn thương da, nhiễm trùng da. Cha mẹ nên chú ý cắt ngắn móng tay cho trẻ, rửa tay thường xuyên để giữ vệ sinh tốt và hạn chế bệnh. Nếu đi ra ngoài thì nên che chắn cơ thể kỹ với mũ rộng vành, áo khoác và găng tay để tránh mất quá nhiều mồ hôi và bị hại da bởi nắng gắt, đây cũng là biện pháp chống say nắng.
Các bệnh nhiễm trùng đường ruột
Thời tiết mùa hè là điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh khiến thức ăn nhanh chóng bị thiu, gây ra ngộ độc thức ăn. Độc tố của vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát tác trong khoảng từ 12-36 giờ. Triệu chứng ngộ độc thức ăn gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Vi khuẩn E.coli, tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thường có nhiều trong nước uống, rau sống, thịt nhiễm khuẩn. Ngoài ra trẻ còn có thể bị tiêu chảy do virus hay nhiễm trùng tiêu hóa do tả, lỵ, thương hàn… Khi bị tiêu chảy hay nôn ói, việc bù đủ lượng nước mất đi là rất quan trọng, cho trẻ uống dung dịch oresol bằng thìa, uống chậm sẽ hiệu quả. Trong trường hợp bị nặng, trẻ khát nước nhiều, nôn ói nhiều, không uống được, mệt hay phân có máu thì nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phòng bệnh tiêu chảy, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu để trẻ có các kháng thể bảo vệ từ mẹ. Cung cấp cho trẻ các loại vitamin và các loại nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, acid folic… Khi chế biến thức ăn cho trẻ, các bậc cha mẹ phải tuân thủ những quy định như: rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi bắt đầu nấu ăn, nấu chín thịt cho đến khi không nhìn thấy màu đỏ ở thịt nữa, đừng nếm dù một miếng nhỏ khi thịt còn hơi sống trong lúc đang nấu, không để đồ thịt chín vào đĩa hoặc thớt trước đó đựng thịt sống, nấu thịt ở nhiệt độ ít nhất khoảng 70oC, để thịt đông lạnh tan từ tủ đá xuống tủ dưới hoặc để lò vi sóng trước khi nấu, không nên để ngoài nhiệt độ bình thường ngay, để thịt sống xa các thức ăn khác, sử dụng nước nóng và xà phòng để rửa thớt hoặc đĩa trước đó đựng thịt sống. Không uống nước chưa được đun sôi, giữ thức ăn trong tủ lạnh hoặc tủ đá, để riêng thức ăn nóng và thức ăn lạnh ra chỗ khác nhau, ướp lạnh thức ăn còn thừa chưa dùng đến ngay sau khi bạn không cần dùng nữa hoặc vứt nó đi.
BS. Nguyễn Thị Thu Hậu (BV Nhi đồng 2, TP.HCM)

Bình luận (0)