“Vui nhưng cũng còn nhiều lo âu”
Nội dung dự thảo có rất nhiều điểm mới. Tuy nhiên cũng không có quá nhiều sự thay đổi bất ngờ và đột ngột. Theo quan điểm của tôi, sự thay đổi này mang tính tịnh tiến theo phương pháp giáo dục hiện đại mà các nước trên thế giới cũng đang hướng đến và thực hiện. Tôi ủng hộ sự đổi mới nhằm hướng đến một nền giáo dục toàn diện và đào tạo ra các thế hệ học sinh được trang bị đầy đủ về năng lực, kiến thức, phẩm chất và kỹ năng sống. Nhưng thiết nghĩ, cái gì mới mẻ cũng còn nhiều bất cập, ngổn ngang những nỗi lo nên quá trình thực hiện cần phải liên tục rút kinh nghiệm và sửa đổi phù hợp.
Sự đổi mới nào cũng cần thời gian thực hiện, sửa đổi, rút kinh nghiệm mới đưa lại hiệu quả tốt nhất. |
Ở vị trí quản lý, tôi vui nhưng cũng còn nhiều lo âu lắm! Trước hết là phải làm sao cho học sinh và phụ huynh tiếp cận, làm quen trước khi bắt tay vào thực hiện. Cơ sở vật chất cũng cần được chuẩn bị để đáp ứng việc dạy học, nhất là khi có nhiều môn tự chọn được áp dụng thì việc phân chia thời khóa biểu cũng cần hợp lý. Đội ngũ thầy cô giáo không chỉ tập huấn nhiều hơn mà thậm chí phải đào tạo lại để giáo viên bộ môn có thể dạy tích hợp liên môn được tốt nhất, đảm bảo chất lượng môn học giảng dạy có chiều sâu. Ví dụ như giáo viên văn thì phải học thêm sử, địa; còn giáo viên toán thì phải học thêm sử, hóa và ngược lại. Rồi tích hợp liên môn như thế nào? Số lượng giáo viên các môn tích hợp sẽ được phân công công tác như thế nào?…
Với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc tới trường nhiều lúc còn phải đến tận nhà vận động. Trong khi hướng tới việc trao thời gian tự học tập và sáng tạo nhiều hơn cho các em thì đối tượng học sinh này ít nhiều sẽ gặp khó khăn. Cần sự nỗ lực nhiều hơn từ phía nhà trường, thầy cô để giúp các em làm quen dần, điều đó cần nhiều thời gian.
Thầy Phạm Bá Hảo
(Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, TP.Đà Nẵng)
Cần lộ trình thực hiện chặt chẽ, liên tục
Bản thân tôi nhận thấy, dự thảo xây dựng các tiêu chí hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện chi tiết và rất hay. Tuy nhiên bên cạnh đó, thiết nghĩ cần cân nhắc về lộ trình thực hiện để đạt hiệu quả tốt nhất. Về thời gian 4 năm chuẩn bị lộ trình, theo tôi không dài nhưng nếu các khâu chuẩn bị tốt thì có thể đạt được. Đó là sự chuẩn bị tâm lý và sự nhập cuộc một cách có trách nhiệm của người làm công tác giáo dục, từ cán bộ quản lý đến giáo viên đứng lớp. Bên cạnh đó, các trường ĐH sư phạm cũng có đủ thời gian để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt công việc giảng dạy theo mục tiêu giáo dục toàn diện; đồng thời với đó, cán bộ, giáo viên đang thực hiện công tác giảng dạy cũng có đủ thời gian để tập huấn, bắt nhịp sự đổi mới. Có chăng ở đây là cần có các phương án tốt nhất để hỗ trợ các giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa được tập huấn, bổ trợ kịp thời.
Cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Anh Khôi |
Để thực hiện được mục tiêu đề ra thiết nghĩ phương pháp dạy học, rèn luyện nhân cách, kỹ năng cần được thực hiện ngay từ khi học sinh bước vào trường tiểu học, thậm chí ngay trong lớp học mầm non. |
Một điểm nữa cần quan tâm đó là việc tích hợp liên môn phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Ví dụ, với môn văn thì có thể tích hợp rất nhiều môn học khác như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân… Vấn đề ở đây là sẽ tích hợp như thế nào? Bài học ở môn tích hợp đó sẽ ra sao? Giáo viên soạn giáo án sẽ bắt đầu từ đâu? Quá trình kiểm tra đánh giá, giáo viên có phải “cõng” thêm sổ sách? Nếu tích hợp thì giáo viên các môn tích hợp sẽ dạy cái gì còn lại?… Những băn khoăn này cũng cần được giải thích rõ ràng ngay từ đầu khi triển khai thực hiện để tránh sự lo lắng, lúng túng.
Đối với việc rút ngắn các môn học hiện tại nhằm giảm tải cho học sinh, dành thời gian cho các em tự học, tự nghiên cứu…, tôi thấy không ổn lắm. Bởi không phải học sinh nào cũng có tinh thần tự học, tự nghiên cứu, thậm chí đa số học sinh của chúng ta đều chưa đề cao tinh thần tự giác này.
Hứa Thị Ngần
(giáo viên bộ môn văn Trường THCS Lê Hồng Phong, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Bình luận (0)