Thông thường, trẻ gái dậy thì khoảng 9-16 tuổi, bắt đầu là phát triển tuyến vú, sau đó chừng 6 tháng thì mọc lông mu, lông nách. Vài năm sau, cơ quan sinh dục ngoài phát triển hơn, trẻ gái bắt đầu có kinh nguyệt và tăng trưởng cơ thể rất nhanh.
Khoảng 2 năm sau lần hành kinh đầu tiên, trẻ đã có thể đạt chiều cao của người trưởng thành. Thời điểm này, trẻ bắt đầu có khả năng sinh sản.
Dậy thì ở trẻ trai thường khoảng 13-15 tuổi. Dấu hiệu đầu tiên là tăng kích thước tinh hoàn. Vài tháng sau, trẻ bắt đầu phát triển lông mu, dương vật lớn dần, mọc lông nách; bàn tay, bàn chân to lên; sau đó là sự nở to của cánh tay, chân, thân người và lồng ngực, giọng nói trầm hơn, gia tăng khối cơ, có khả năng xuất tinh hay mộng tinh. Dậy thì sớm là khi các dấu hiệu dậy thì xuất hiện sớm hơn độ tuổi bình thường nói trên và hầu hết đều không tìm được nguyên nhân.
Trong một số trường hợp có bất thường ở tuyến yên tiết ra nội tiết tố làm tuyến vú và tinh hoàn phát triển, bất thường của tuyến vú hay tinh hoàn, não úng thủy với tật nứt đốt sống lộ tủy sống và màng tủy, suy giáp, u não, u buồng trứng… Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây dậy thì sớm được quy cho béo phì, yếu tố xã hội và môi trường độc hại. Phim ảnh, sách báo, internet tràn ngập hình ảnh “tươi mát” liên quan giới tính tiếp cận với trẻ sớm hơn trước đây rất nhiều sẽ tác động lên não bộ của trẻ, kích thích các em tìm hiểu dẫn đến sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
Những nghiên cứu gần đây cho biết số lượng trẻ gái dậy thì sớm ngày càng tăng cao. Trẻ sẽ có một thời gian khó khăn khi trải qua những thay đổi của dậy thì sớm. Trẻ chưa sẵn sàng với những thay đổi của cơ thể nên dễ bị mặc cảm với vẻ bề ngoài “người lớn” của mình, bối rối với những điều xảy ra trong cơ thể và có thể nảy sinh xúc cảm bất thường gây ra áp lực. Trẻ gái trưởng thành sớm sẽ gặp nhiều vấn đề về hành vi cư xử, dễ sinh hoạt tình dục sớm, thậm chí lấy chồng sớm, dễ bị quấy rối và tự tử.
Trẻ dậy thì sớm sẽ nhanh chóng bị cốt hóa các đầu xương dài dẫn đến ngưng tăng trưởng chiều cao khiến thấp lùn hơn khả năng di truyền cho phép. Trẻ béo phì có thể cao hơn chúng bạn nhưng thường bị dậy thì sớm và ngưng phát triển chiều cao sớm hơn.Cha mẹ, người thân của trẻ cần có sự hiểu biết và kỹ năng tốt để giúp trẻ vượt qua giai đoạn dậy thì sớm hoặc có thể tư vấn với các chuyên gia sức khỏe, tâm lý.
Nhiều bậc cha mẹ rất phân vân có nên làm chậm lại quá trình dậy thì sớm của con hay không và phải làm gì? Thực tế thì khó mà can thiệp được vào quá trình này, trừ những trường hợp có bệnh lý thực thể. Điều quan trọng là luôn ở bên cạnh trẻ để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Bạn hãy nói cho trẻ biết rằng ai cũng phải trải qua những thay đổi này nhưng có người sớm, có người muộn. Hãy thảo luận về sự phát triển của cơ thể sẽ xảy ra như thế nào và trò chuyện cởi mở về những điều trẻ đang lo lắng, quan tâm; khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao đều đặn, tham gia các hoạt động xã hội – những biện pháp giúp các em nhanh chóng vượt qua khó khăn về mặt tâm lý.
Theo Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy
(NLĐ)
Bình luận (0)