Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tay chân miệng: Bệnh nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ Khanh đang khám bệnh cho một trường hợp bị TCM. Ảnh: H.Triều
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có trên 3.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 15 ca tử vong và không ít trường hợp đã để lại di chứng nặng nề. Kể từ khi dịch bệnh TCM xuất hiện đến nay, đây là năm có số ca bệnh nhiều nhất và cũng nhiều trường hợp tử vong nhất.
Các triệu chứng của bệnh
Bệnh TCM là một bệnh thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Bệnh thường có những triệu chứng đặc trưng: sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Triệu chứng đầu tiên thường gặp khi trẻ mắc bệnh này là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Sau khi xuất hiện triệu chứng sốt từ 1 đến 2 ngày, trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bóng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban trên da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng hoặc có thể gồ lên mặt da, một số hình thành bóng nước, thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Tuy nhiên, mụn nước cũng có thể xuất hiện ở vùng mông, vùng khớp gối. Thực tế cho thấy các cháu bé bị nổi nhiều bóng nước ở tay, chân, miệng… lại mắc bệnh nhẹ. Ngược lại, có một số cháu chỉ bị nổi vài bóng nước trong miệng nhưng bệnh lại có diễn tiến nặng có thể gây tử vong, phụ huynh cần lưu ý để sớm đưa trẻ đi bệnh viện. Bệnh TCM do một nhóm virus thuộc nhóm virus đường tiêu hóa gây ra. Tác nhân thường gặp nhất là coxsackievirus A16, đôi khi do enterovirus 71. Bệnh TCM do coxsackievirus A16 gây nên thường là một bệnh nhẹ và tự lành sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị, ít biến chứng. Nếu bệnh TCM gây nên do enterovirus 71 thì nguy hiểm hơn. Có thể gây nên viêm màng não virus và thậm chí là các bệnh trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt. Viêm não do enterovirus 71 có thể gây tử vong. Các biến chứng thường gặp của bệnh TCM là: viêm màng não,  liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ. Nguy hiểm hơn khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, run chân tay, co giật… Theo thống kê, bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới năm tuổi, nhiều nhất là độ tuổi dưới ba tuổi. TCM là bệnh dễ lây, lây rất nhanh qua đường tiêu hóa ở những trẻ sống cùng nhà, hoặc nhóm trẻ sinh hoạt cùng trường mầm non do siêu vi trùng gây bệnh lây lan qua tay, thức ăn đồ uống, sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ ăn uống bị nhiễm mầm bệnh. Mặc dù bệnh chủ yếu tấn công trẻ dưới năm tuổi, nhưng trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc.
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh TCM. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cần đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế khi nghi ngờ trẻ bị bệnh TCM, nếu trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, cần thực hiện vệ sinh răng miệng và thân thể trẻ, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước. Giảm đau, hạ sốt cho trẻ bằng cách lau người trẻ bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ. Tuyệt đối không sử dụng Aspirine để hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Không cạy vỡ các bóng nước trên người trẻ để tránh nhiễm trùng. Cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả. Trẻ cần được theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: dễ giật mình, hoảng hốt, thở mệt, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.
Bệnh TCM đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên việc phòng ngừa chủ yếu dựa vào những phương pháp thông dụng. Đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu cần chăm sóc trẻ thì rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Song song đó là rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi thường dùng của trẻ, sàn nhà bằng nước sạch, rồi khử trùng bằng cloramin B 5%. Nên thực hiện mỗi tuần một lần. Cần phải đeo khẩu trang y tế khi hắt hơi hoặc ho, không dùng chung các đồ dùng ăn uống của người bệnh. Cuối cùng là cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh, thường ít nhất là bảy ngày.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
(Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng I – TP.HCM)

Bình luận (0)