Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng xem thường bệnh thủy đậu

Tạp Chí Giáo Dục

Một phụ nữ mang thai đang được bác sĩ khám và điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM. Ảnh: N.Trinh
Bệnh thủy đậu không nguy hiểm như bệnh tay chân miệng, nhưng nếu khám, điều trị không kịp thời hoặc không đúng cách có thể khiến bệnh biến chứng, gây nguy hiểm không nhỏ, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Bệnh dễ lây
Trong tháng 6 vừa qua, tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh thủy đậu rất đông, trung bình mỗi ngày hơn 15 người. Cháu P.N.H. (8 tuổi – Tiền Giang) bị thủy đậu đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM. Toàn thân nổi đầy nốt thủy đậu bị vỡ ra, các nốt vỡ này không có dấu hiệu khô miệng mà có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Nguyên nhân cũng bởi cháu dùng tay gãi, vì thế các nốt vỡ chảy nước, chất nhầy màu xám và nhiễm trùng da. Kéo theo đó, gần 10 ngày sau, chị gái của cháu P.N.H. cũng mắc thủy đậu do em lây sang.
Bệnh thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây và lây nhanh, đặc biệt trong môi trường đông người, trong trường học, trung gian là các hạt nước bọt hay các đồ dùng chung như chén, bát, khăn, đồ dùng…
Đối với trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu vì thế bệnh dễ biến chứng như sưng phổi, viêm phổi, viêm thận cấp, viêm tai giữa… Đối với phụ nữ mang thai nếu bị thủy đậu có thể làm sẩy thai hay các biến chứng ở da và thần kinh đến thai nhi. Nguy hiểm hơn, giai đoạn năm ngày trước hoặc sau khi sinh, nếu bà mẹ bị thủy đậu thì đứa trẻ có thể bị chứng thủy đậu bẩm sinh, khiến đứa trẻ bị dị tật, biến chứng về não bộ và khoảng 30% trẻ bị tử vong.
Những người từng bị thủy đậu sẽ có miễn dịch đối với chính bệnh này, vì thế rất khó bị lần hai. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bị lần hai cần nên đi khám và điều trị. Hầu hết những trường hợp này rơi vào bệnh nhân bị nhiễm HIV, dùng thuốc điều trị ung thư. Những bệnh nhân này có sức đề kháng yếu, virus VZV (varicella zester virus) sẽ tiếp tục tấn công, và lúc này virus VZV biểu hiện thành bệnh giời leo hay còn gọi là bệnh zona.
Phòng bệnh là chính
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu, vì thế mỗi người nên tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đối với trẻ nhỏ, khi tròn một tuổi nên cho con đi tiêm phòng và tiêm mũi thứ hai vào tuổi thứ 5. Việc tiêm vắc-xin có tác dụng ngừa bệnh đến 93%. Đối với người lớn chưa từng tiêm thì có thể tiêm bất kỳ lúc nào. Đối với phụ nữ nên tiêm vắc-xin phòng chống khoảng ba tháng trước khi mang thai. Bệnh này nếu được điều trị đúng cách thì nhanh khỏi, không để lại sẹo vĩnh viễn hay các biến chứng. Song khi có những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh cần nên đến trung tâm y tế hay các bệnh viện chuyên khoa khám điều trị. Tránh việc tự đoán bệnh theo cảm tính rồi tự mua thuốc về uống, hay tắm các loại nước lá… Việc làm này không những gây tốn kém mà còn dẫn đến nhiều biến chứng. Vừa qua, trường hợp chị Đ.T.H.N. (Công ty kiểm định chất lượng A., Q.Bình Thạnh) có dấu hiệu sốt, nổi mụn đỏ, ngứa, chị vội vàng đến tiệm thuốc Tây mua thuốc uống. Theo lời nhận định của nhân viên bán thuốc, các nốt đỏ sưng và nốt nước của chị là do côn trùng cắn. Chưa yên tâm, chị sang tiệm thuốc khác mua thuốc và hỏi thì lại hay đây là dấu hiệu của tay chân miệng? Lúc này trên tay có đến hai loại thuốc kèm theo lo lắng không biết ai sai ai đúng, chị đành bỏ hết để đến bệnh viện. Nếu như điều kiện đi lại đến trung tâm y tế khó khăn, khi cơ thể có dấu của thủy đậu, người bệnh có thể mua thuốc uống giảm đau, giảm sốt acetaminophen. Thuốc này có tác dụng giảm đau từ từ nhưng an toàn cho tính mạng. Tuyệt đối tránh dùng thuốc aspirin. Thuốc aspirin có tác dụng giảm sốt nhanh song có thể gây nhiều tổn thương đến não và gan, người bệnh có thể tử vong. Cũng tránh các trường hợp tự ý tắm các loại nước lá. Việc làm này cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Không nên bôi các loại thuốc mỡ hay thuốc đỏ.
Ngọc Trinh

“Thủy đậu sẽ khiến cho bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, vì thế khó tránh khỏi gãi. Gãi có thể khiến mụn nước bị vỡ, nước sẽ bắn sang các khu vực khác khiến bệnh lan nhiều hơn. Theo đó vết thương dễ bị tổn thương, dẫn đến nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn đường huyết dẫn đến để lại sẹo vĩnh viễn hoặc nhiễm trùng đường huyết, làm ảnh hưởng đến thần kinh, vì thế bệnh nhân cố gắng tránh gãi. Bên cạnh đó, chúng ta cố gắng vệ sinh ăn ở sạch sẽ, nhanh chóng đến trung tâm y tế khám và điều trị kịp thời…” – Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh – Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM khuyến cáo.

 

Bình luận (0)