Trong khi điệp khúc “em ơi Hà Nội khói” do nông dân đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch đã tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục, thì giờ đây chúng ta lại phải đối mặt với những nỗi lo còn quan ngại và nan giải hơn rất nhiều. Đó là tình trạng khói bụi, không khí ô nhiễm từ quốc gia khác có thể tràn vào Việt Nam hoặc bất cứ quốc gia nào trong khu vực, cho dù vấn đề môi trường của quốc gia đó được đảm bảo tốt. Đơn cử như hiện tượng thời tiết tại TPHCM và Nam bộ những ngày gần đây bỗng dưng xuất hiện “mù khô” nhưng không phải là hơi nước mà khói bụi của các vụ cháy rừng từ tận Indonesia tràn sang. Các chuyên gia về môi trường ước tính, trong 3 tháng qua, tình trạng cháy rừng ở Indonesia đã thải ra khoảng 600 triệu tấn khí nhà kính, làm hàng triệu người dân nhập viện vì bệnh hô hấp, các chuyến bay phải hủy bỏ…
Còn nhớ từ năm 2008 đến nay, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đã từng tổ chức khá nhiều hội thảo, diễn đàn về chủ đề “khói mù xuyên biên giới” mà nội dung có thể làm nhiều người khó hiểu, nhưng thực chất là tình trạng các quốc gia láng giềng do quản lý rừng lỏng lẻo, để xảy ra các vụ cháy lớn, khói bụi lan từ nước này sang nước khác, đe dọa môi trường, môi sinh khu vực. Người ta dẫn các ví dụ như cháy rừng tại Lào hoặc Campuchia hàng năm nhưng cũng không quên nhắc các vụ cháy rừng tại Việt Nam.
Cùng lúc khói “mù khô” từ Indonesia lan sang Nam bộ thì ở miền Bắc, mới đây các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng công bố tình trạng khói bụi mang theo khí độc từ các nhà máy nhiệt điện bùng phát ở phía Nam Trung Quốc theo gió mùa Đông Bắc tràn xuống Bắc bộ như Báo SGGP phản ánh ngày 12-10. Đặc biệt trong vài ngày qua, người dân sống dọc hai bên sông Hồng rất lo lắng và bất ngờ trước hiện tượng ở Lào Cai không có mưa lũ nhưng nước lũ trên sông Hồng lại dâng cao đột ngột do các thủy điện của Trung Quốc xả lũ do mưa lớn, nhiều hoa màu ven sông Hồng ở Lào Cai, Yên Bái bị ngập nặng. Điều đó cho thấy, không phải chỉ khi xảy ra mưa lũ, cháy rừng, ô nhiễm… trên chính lãnh thổ nước ta thì mới gây ra thiệt hại về kinh tế – xã hội, gây hệ lụy tới môi trường và sức khỏe… mà những thảm họa do nhân tai có thể đến từ những quốc gia khác trong khu vực nếu không có một tầm nhìn quy hoạch vì lợi ích chung cũng như tuân thủ mục tiêu toàn cầu.
Từ nhiều năm qua, tất cả chúng ta cũng như các nhà khoa học tâm huyết về môi trường, sinh học trên thế giới cũng đã nói nhiều về tình trạng các quốc gia đổ xô làm thủy điện trên sông Mê Kông đang làm cạn kiệt nguồn nước của dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đe dọa về môi trường, môi sinh ở vùng hạ lưu, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đứng ở góc độ cân bằng và đa dạng sinh học, nhiều nhà khoa học thế giới khẳng định, các đập thủy điện trên dòng Mê Kông đã khiến cho nhiều loài cá nước ngọt bị tuyệt chủng do quá trình di cư ngược để sinh sản bị cản trở. Việt Nam có thể thiệt hại 500 triệu đến 1 tỷ USD về nguồn lợi thủy sản nếu tất cả 19 thủy điện đi vào hoạt động.
Qua những gì chúng ta đang đối mặt cho thấy, mặc dù thiên tai luôn nguy hiểm và bất trắc nhưng bản thân con người và các quốc gia cũng đang bồi thêm không ít “nhân tai” với những hệ lụy và sự nguy hiểm khó lường hết được, đặc biệt là những mối nguy mang tính chất xuyên quốc gia. Phần lớn các nguy cơ về môi trường hiện nay cuối cùng đều được đổ cho El Nino bất thường gây mưa bão nơi này đồng thời lại làm khô hạn, cháy rừng nơi khác. Nhưng dù đổ cho thiên tai thì điều đó cũng cho thấy, dưới sự “tiếp sức” của bàn tay con người, các hiện tượng thời tiết cực đoan bây giờ không chỉ đe dọa trực tiếp một vùng, một địa phương mà cả những quốc gia lân cận hoặc khu vực nếu các chương trình, dự án lớn không được quy hoạch đúng đắn, quản lý một cách triệt để dựa trên lợi ích chung của những quốc gia lân cận hoặc toàn khu vực.
Ngày 13-10 hàng năm đã được chọn làm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai thảm họa đúng vào thời điểm mà những mối lo về thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu và cả nhân tai, những nguy cơ xuyên biên giới đang nóng bỏng ở Việt Nam và khu vực ASEAN. Đây là những vấn đề lớn quan trọng cần được giải quyết ở cấp quốc gia và trong khu vực. Việt Nam cần tích cực tham gia các diễn đàn, hội thảo quốc tế cũng như các chương trình chung tay của cộng đồng thế giới về môi trường, hợp tác với các tổ chức bảo vệ môi trường có uy tín trên thế giới. Đồng thời cũng cần có những dự án đánh giá tác động và ảnh hưởng của các hệ lụy môi trường xuyên biên giới để có căn cứ và tiếng nói thuyết phục, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà khoa học về môi trường nhằm đảm bảo quyền lợi chung của toàn khu vực cũng như mục tiêu toàn cầu.
Theo Phúc Hậu/ SGGP
Bình luận (0)