Trẻ sẽ không bị mắc bệnh khó bảo nếu cha mẹ quan tâm và dạy dỗ đúng cách (ảnh chỉ mang tính minh họa)
|
Mới đặt giỏ xách xuống, chị Trần Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã than thở: “Khổ vì thằng con, ương bướng, nói gì cũng không nghe. Sáng nay gọi dậy ăn sáng mà nhất định không ăn. Thuyết phục, gặng hỏi cũng không trả lời, chỉ đến khi ba nó đứng ra phát mấy cái vào mông mới chịu ăn được chút ít. Suốt đoạn đường đến trường, hỏi không thưa không rằng, lại còn lầm lũi vào lớp mà không chào mẹ lấy một tiếng”. Chẳng là hôm trước, dẫn con sang nhà bạn chơi, vừa ngồi được ít phút, chẳng biết vì lí do gì mà bé Hùng, con chị Oanh đấm một cái vào mặt đứa bạn hàng xóm bầm tím. Chị Oanh đâm ngại, phát cho Hùng vài cái và dẫn ngay con về, thậm chí chị còn đe dọa “lần sau không cho đi chơi nữa, hư quá”.
Ngược lại, chị Bùi Hà (Q.1) lắm lúc phát khóc vì con trai 5 tuổi. Cứ mỗi buổi chiều đi học về là Tuấn Anh lại chúi mũi vào ti vi xem phim hoạt hình. Đến giờ ăn, kêu con đi rửa tay vào ăn cơm nhưng cứ như “nước đổ đầu vịt”. Khi tắt ti vi thì Tuấn Anh khóc thét lên, ngồi vào bàn ăn thì phụng phịu, đến cuối bữa mới ăn được vài miếng. Lắm lúc chị phát điên mà hét lên cũng không “cải tổ” được cái tính khó bảo của cậu bé đến thế. Chị than thở: “May có một đứa, chứ hai đứa chắc tôi buồn rầu đến suy nhược thần kinh”.
Hiểu con hơn là áp đặt
Theo BS tâm lý kiêm giảng viên Khoa Tâm lý học – Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM Phan Thiệu Xuân Giang thì “Một đứa trẻ lớn lên, vóc dáng lẫn tâm tính thường phụ thuộc vào người lớn. Điều này không sai, thế nhưng cha mẹ sinh con trời sinh tính, mỗi đứa trẻ có một hệ thần kinh nhạy cảm khác nhau, vì thế sẽ có một tính cách cũng như tâm sinh lý khác nhau. Trẻ từ 2-3 tuổi là thời gian trẻ gia tăng khả năng vận động và khám phá môi trường. Đây cũng là thời gian cha mẹ đặt giới hạn cấm đoán lên trẻ. Tuy nhiên, điều này vô tình gây nên một “cuộc chiến” giữa cha mẹ và trẻ. Lúc này trẻ có thể xảy ra rối loạn thách thức hành vi chống đối. Rối loạn hành vi thách thức chống đối xảy ra cả ở trẻ nam và nữ trong độ tuổi từ 2-4. Nhưng đối với trẻ thiếu niên thì hành vi thách thức chống đối thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Rối loạn này thường xảy ra khoảng 2,1% ở trẻ nữ và khoảng 3,1% trẻ nam. Việc chống đối thường xảy ra nhiều và mạnh nhất ở lúc trẻ 5 tuổi. Lúc này trẻ có thể chống đối công khai, thách thức trực tiếp như không vâng lời, thể hiện rõ ràng bằng hành động như trường hợp cậu bé Tuấn Anh con chị Hà. Cái quan trọng lúc này cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu cảm xúc, suy nghĩ con cái. Tuấn Anh thích xem phim hoạt hình cũng có lí do. Lúc này thay vì cấm đoán, cắt đứt ngay sở thích của con thì chị Hà có thể thương thuyết nhẹ nhàng: con chỉ xem được khoảng 10 phút nữa thôi, sau đó vào học, mẹ không thể chờ con được. Nếu như thói quen này không được sửa đổi thì cha mẹ mới ra quy định nghiêm khắc cấm đoán. Việc làm này có thể giúp trẻ hiểu được mong muốn của cha mẹ và dễ dàng chấp nhận. Điều này cho thấy, vấn đề giáo dục, điều trị căn bệnh khó bảo ở trẻ không phải là tìm ra lỗi đúng sai, quan trọng là cha mẹ nên hiểu con cái muốn gì, cần gì. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái một cách ổn thỏa có thể giúp trẻ kiểm soát được bản thân và còn giúp được trẻ có tính tự lập”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)