Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Siết lại chất lượng đào tạo y dược

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 28-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về các điều kiện đào tạo ngành y đa khoa và ngành dược học, trước những băn khoăn về vấn đề điểm sàn trong ngành y, dược. 

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ học thực hành. Ảnh: A.K

Tại buổi họp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y, dược  đưa ra một số phương án để siết chuẩn đầu vào đối với ngành y dược.

Điểm sàn chung đối với ngành y dược?

Trước băn khoăn về vấn đề điểm sàn trong ngành y, dược, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội – cho biết ngày 15-12, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y, dược đã họp và đưa ra đề xuất. Theo đó, kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường ĐH y, dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành dược học (học 5 năm) và y đa khoa (6 năm). PGS.TS Nguyễn Đức Hinh cũng cho rằng, mặc dù Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường tự chủ tuyển sinh nhưng y dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của hội đồng.

Trước vấn đề phần lớn giảng viên các trường dân lập đã về hưu, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ, đây là điều đáng suy nghĩ. Bởi độ tuổi sinh học và độ tuổi làm việc nhiều khi không đồng hành. Những giảng viên 75-80 tuổi không thể trực tiếp mổ và hướng dẫn học sinh mổ trong bệnh viện. Bản thân PGS.TS Nguyễn Đức Hinh là Hiệu trưởng nhưng vẫn trực tiếp thực hành.

Đề xuất có chứng chỉ hành nghề y

Ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế – cũng cho hay chứng chỉ hành nghề y dược (tức đầu ra) là vấn đề được Bộ Y tế quan tâm từ lâu. Sắp tới, bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội về việc sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề y quốc gia. “Trong tương lai phải có chứng chỉ hành nghề  y và có giá trị trong 5 năm. Đối với giảng viên chuyên ngành phải có chứng chỉ hành nghề”, ông Lợi nhấn mạnh. Đây là một trong những biện pháp góp phần hậu kiểm chất lượng đào tạo, nhằm giám sát để đảm bảo chất lượng làm việc tại các cơ sở y tế. Ngoài việc thi chứng chỉ hành nghề, Bộ Y tế còn quan tâm công tác đào tạo, vì không đảm bảo chất lượng sẽ gây lãng phí cho xã hội. Bộ đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa, hộ sinh, điều dưỡng và chuẩn bị ban hành chuẩn năng lực bác sĩ răng – hàm – mặt. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa xác định được lộ trình thực hiện chứng chỉ ngành nghề, bởi sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hiện tại, Bộ Y tế tổng hợp số liệu các vấn đề liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội. Theo đánh giá của ông Lợi, chứng chỉ hành nghề y là xu hướng tất yếu của nhu cầu hội nhập quốc tế.

Không phân biệt trường công – tư

ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa được tuyển sinh ngành y đa khoa

Theo kết luận đối với ĐH Kinh doanh và Công nghệ của đoàn kiểm tra: Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế đồng ý trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán đã ký trị giá 23 tỷ đồng và bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn phân tích kiểm nghiệm. Với ngành y đa khoa, hai bộ sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi đã bổ sung đội ngũ (có tham khảo Công văn 7836 của Bộ Y tế), trong đó có 1 tiến sĩ sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học. Trường thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng. Bộ GD-ĐT đề nghị trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm được công nhận phân hiệu tại Từ Sơn, Bắc Ninh.

Liên quan đến vấn đề mở ngành và thành lập các trường ĐH y, dược, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết: Việc thành lập trường, Bộ GD-ĐT dựa trên quy định chung, không căn cứ đó là trường công hay tư. Trước tiên, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét về hạn mức quy hoạch và quy hoạch đào tạo nhân lực y tế theo Quyết định 816. Nếu đầy đủ các điều kiện, Bộ GD-ĐT sẽ có những căn cứ làm việc tiếp theo. Cũng theo bà Phụng, hiện có 21 trường đào tạo ngành y, trong đó 14 trường đa ngành và 5 cơ sở ngoài công lập. Trong số 26 trường đào tạo dược học, 14 trường ngoài công lập và 16 trường đa ngành.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, số trường đào tạo y dược của Việt Nam còn ít so với thế giới, nhưng để đào tạo ngành này rất khó khăn. Ông Hinh cho biết, ĐH Y Hà Nội được thành lập năm 1902, sau đó ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng đều là phân hiệu của ĐH Y Hà Nội. Riêng ĐH Y Hải Phòng phải mất 20 năm mới “đủ lông cánh” tách riêng.

Cũng liên quan vấn đề chất lượng đào tạo, bà Phụng thông tin thêm, năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT cho dừng 6 cơ sở đào tạo không đủ điều kiện. Đầu năm 2016, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế sẽ kiểm tra việc đào tạo của ngành y dược để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng. Phương thức kiểm tra là xác suất hoặc tổng thể với cả quy mô trường công lập và tư thục.

Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)