HS Hà Nội vô tư vi phạm ATGT |
Trước tình trạng học sinh (HS) vi phạm an toàn giao thông (ATGT) ngày càng tăng theo cấp số nhân, tuần qua Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, văn bản nêu rõ: HS khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nếu vi phạm lần 2 sẽ trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ buộc thôi học một tuần.
Theo ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) – thì: Sở GD-ĐT Hà Nội ra văn bản về việc xử lý HS vi phạm ATGT là không đúng thẩm quyền; còn về nội dung, không có tính pháp lý. Ngược lại, khá nhiều cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh HS lại đồng tình với văn bản này.
HS vi phạm nhiều nhưng xử phạt ít
Trước khi ra văn bản này, theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT – thì: Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường trên địa bàn đã có nhiều biện pháp tuyên truyền ATGT tới HS. Một trong số các hình thức đó phải kể đến việc tổ chức cho HS chia thành tổ, nhóm để cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu Luật Giao thông. Sau đó các tổ, nhóm sẽ thi với nhau. Không chỉ tuyên truyền giáo dục, các trường còn đưa ra nhiều hình thức nhắc nhở, răn đe… nhưng tình trạng HS vi phạm ATGT vẫn chưa thuyên giảm được bao nhiêu.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Q.Ba Đình) – cho biết: HS không tôn trọng ATGT đang có xu hướng gia tăng. Có 3 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đó là HS đang ở độ tuổi thích được tự do thoải mái. Ngay cả bản thân người lớn cũng có rất nhiều người không nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông. Thứ hai là tổ chức quản lý của chúng ta cũng đang có vấn đề. HS vi phạm ATGT không ít nhưng tỷ lệ bị phạt lại không nhiều. Chẳng hạn như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có hàng ngàn HS nhưng mỗi năm cũng chỉ 1-2 trường hợp được công an báo về. Và nguyên nhân thứ ba là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
“Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, khi ở trong trường, HS rất ngoan, chấp hành nghiêm các quy định. Thậm chí, nếu đội mũ bảo hiểm mà chưa cài quai cũng không được ra khỏi cổng trường. Tuy nhiên khi ra khỏi cổng trường, các em có chấp hành được như thế không thì phải có chế tài mạnh và sự vào cuộc quyết liệt của gia đình cũng như xã hội”, TS. Lâm cho biết thêm.
“Chính vì vậy, tôi tán thành quy định mới của Sở GD-ĐT Hà Nội. Cần phải có chế tài mạnh hơn để HS chịu trách nhiệm về hành vi của mình” – TS. Tùng Lâm khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa) – cũng cho rằng: Việc Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra mức chế tài đối với HS vi phạm Luật Giao thông là cần thiết. Nhưng căn cứ vào đó, các trường cũng cần xây dựng những quy định, giải pháp cụ thể hơn và áp dụng thường xuyên chứ không nên chỉ làm theo phong trào.
Thương thì… cho roi
Có thể nói hình phạt đuổi học một tuần nếu HS tái vi phạm ATGT nhiều lần giống như kiểu “Thương thì cho roi, cho vọt” của ông bà ta ngày xưa.
Và quan điểm này rất được phụ huynh đồng tình. Chẳng hạn như Trần Thị Tâm (nhân viên văn phòng tại địa bàn Q.Hoàn Kiếm) – phụ huynh một HS lớp 12. Chị cho biết: “Bản thân hoàn toàn ủng hộ quy định mới của Sở GD-ĐT Hà Nội. Con tôi đi học bằng xe đạp điện, cứ lên xe là đội mũ. Tuy nhiên cũng có hôm cháu vội chưa kịp đội mũ là vợ chồng tôi nhắc ngay. Đó không phải vì sợ bị phạt mà cái quan trọng là đảm bảo an toàn cho con khi tham gia giao thông”.
Cũng theo chị Tâm, nếu giáo dục con thực hiện nghiêm chỉnh ATGT thì các bậc phụ huynh không có gì phải lăn tăn trước quy định của Sở GD-ĐT.
Anh Nguyễn Bá Hanh, lái xe tại Thanh Trì cho biết, bản thân anh hàng ngày cũng tham gia giao thông với tần suất rất lớn. Vì vậy không ít lần anh chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm, trong đó nạn nhân có cả HS, sinh viên. Nếu không thực hiện đúng Luật Giao thông, thiệt thòi vẫn luôn là các em. Vì tai nạn giao thông không chừa một ai. Con trai anh Hanh mới học lớp 6, hàng ngày đi xe đạp đến trường nhưng anh cũng sắm cho con một cái mũ bảo hiểm để tham gia giao thông.
“Đã đến lúc cũng phải có biện pháp mạnh hơn. Tôi nói lại một lần nữa, chúng ta là người lớn lo những việc này cũng là lo cho chính các em. Khoan hãy nói đến chuyện đình chỉ học tập các em sẽ bị thế này thế kia, hãy tính một việc là tại sao không dạy dỗ các em để các em không vi phạm” – ông Thống nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, nếu trong thời gian tới, tình trạng HS vi phạm giao thông không được cải thiện thì bắt buộc phải có biện pháp nghiêm khắc hơn.
TS. Phạm Mạnh Hà – Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – cho hay: “Cá nhân tôi không ủng hộ giải pháp này, bởi đây là biện pháp phản giáo dục. Đây cũng được coi là một giải pháp thất bại của nhà quản lý. Phải hiểu được các em đang ở tuổi muốn chứng tỏ bản thân để lựa chọn cách giáo dục có hiệu quả. Không nên làm tổn thương tâm lý các em mà cần tạo cơ hội để các em sửa chữa”.
Ông chia sẻ, ở các nước phương Tây áp dụng, nếu HS vi phạm Luật Giao thông thì bố trí cho các em đứng ngoài đường hướng dẫn giao thông với thanh niên tình nguyện, cảnh sát giao thông; hoặc tới thăm, hỗ trợ chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn giao thông tại các bệnh viện…
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
TP.HCM: 99 HS-SV vi phạm Luật Giao thông trong học kỳ 1 Đó là số liệu Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP.HCM) gửi về Sở GD-ĐT TP.HCM từ tháng 9-2015 đến tháng 1-2016. Theo đó, lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, lưu thông vào đường cấm, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cc… Có một số trường hợp vi phạm từ 3 lỗi trở lên như không đội mũ bảo hiểm, không xuất trình đăng ký xe, không có giấy phép lái xe… Từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT thành phố đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP.HCM) gửi danh sách HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ về cho từng trường. Từ đó, các trường căn cứ vào tình hình vi phạm của HS xử lý nghiêm khắc và là cơ sở để đánh giá hạnh kiểm HS. Thầy Nguyễn Tấn Sỹ – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can – cho biết: “Những trường hợp vi phạm chủ yếu ở tháng Tết, lỗi phần lớn là do các em không đội mũ bảo hiểm hoặc không có giấy phép lái xe. Theo đúng quy định của Sở GD-ĐT TP, căn cứ vào danh sách này nhà trường sẽ kiểm điểm trước lớp HS vi phạm và xếp hạnh kiểm loại yếu trong tháng đó, đồng thời thông báo về cho gia đình để phụ huynh nhắc nhở các em không tái phạm”. Dù không có trường hợp HS nào vi phạm Luật Giao thông từ danh sách của Sở GD-ĐT gửi về nhưng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng đã thiết lập một mạng lưới vệ tinh từ giáo viên và phụ huynh để có biện pháp xử lý kịp thời khi HS vi phạm. “Nhà trường thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích giáo viên và phụ huynh thấy HS nào vi phạm Luật Giao thông thì báo về cho nhà trường. Từ đó, nhà trường sẽ nhắc nhở và yêu cầu các em viết bản kiểm điểm. Thông thường các em chỉ sai phạm một lần, nếu tái phạm thì nhà trường sẽ đưa ra các biện pháp xử phạt nặng hơn như hạ hạnh kiểm học kỳ, mời phụ huynh đến làm việc”, thầy Phan Quang Ái – Hiệu trưởng nhà trường – nói. Cùng với việc xử phạt, biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn tình trạng HS vi phạm ATGT, hiện nay các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều mời công an giao thông đến trường nói chuyện với HS, trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục ATGT… Nhờ đó, số lượng HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong nhiều năm gần đây ở thành phố giảm hẳn, ít có trường hợp vi phạm lần 2. Minh Châu |
Bình luận (0)