Tập thể dục đều đặn cũng là một cách ngăn chặn bệnh ĐTĐ. Ảnh: I.T |
Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Và điều đáng nói là có tới 65% trong số đó không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang có chiều hướng gia tăng, năm 2002 chỉ có 2,7% dân số mắc bệnh. Nhưng hiện nay đã tăng lên trên 5%, trong đó TP.HCM là trên 7%. Ngoài ra, tỷ lệ người bị tiền ĐTĐ ở TP.HCM cũng lên tới 27% dân số.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ĐTĐ là 1 trong 3 căn bệnh (ung thư, tim mạch và ĐTĐ) có tốc độ phát triển nhanh nhất và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển.
Biểu hiện và biến chứng của bệnh ĐTĐ
TS.BS Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW cho biết: “ĐTĐ là bệnh mãn tính không lây nhiễm, do tụy giảm tiết insulin gây tăng đường huyết. ĐTĐ tuýp 1 thường gặp ở người trẻ, chiếm khoảng 5-10% người mắc bệnh. Biểu hiện là ăn nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều nhưng gầy sút nhanh; ĐTĐ tuýp 2 thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, bệnh chủ yếu do thừa cân, béo phì, ít vận động, chiếm khoảng 90-95% người mắc bệnh. Bệnh thường diễn biến thầm lặng, tình cờ phát hiện do khám sức khỏe hay vì biến chứng của bệnh như tăng huyết áp, mờ mắt, vết thương lâu lành”. Những yếu tố nguy cơ bị bệnh ĐTĐ tuýp 2 là từ 45 tuổi trở lên, gia đình có người mắc ĐTĐ, béo bụng, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, ít hoạt động thể lực… Phụ nữ sinh con trên 4kg cũng rất dễ bị bệnh ĐTĐ tuýp 2.
ĐTĐ có thể gây biến chứng ở tất cả các bộ phận trong cơ thể, từ đầu xuống đến chân. Trong đó, phải kể đến bốn biến chứng thường gặp là: đục thủy tinh thể gây mù mắt, xơ vữa mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tổn thương thận gây suy thận, vết thương lâu lành gây hoại tử. Ngoài ra, còn có các biến chứng như tai biến mạch máu não, thoái hóa võng mạc, glaucoma, liệt mặt, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, gan nhiễm mỡ, nhiễm trùng phổi, lao, rối loạn tiêu hóa – táo bón, tiêu chảy, tổn thương thần kinh ngoại biên gây mất cảm giác, nhiễm trùng da, giảm tình dục, nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang, tiểu són…
Phòng ngừa và điều trị bệnh ĐTĐ
BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM đưa ra các bí quyết ăn đủ chất nhưng không tăng đường huyết. Đó là: ăn nhiều loại thực phẩm (từ 15-20 loại/ngày), chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (ba bữa chính, 2-3 bữa phụ). Không để quá đói sẽ gây hạ đường huyết, không ăn quá no, quá nhiều trong một bữa sẽ gây tăng đường huyết sau ăn. Hạn chế ăn uống các thực phẩm gây tăng đường huyết (gạo chà trắng, bánh mì, khoai tây, trái cây ngọt, nước ép trái cây, chuối chiên, đường tinh luyện, mật ong, bánh kẹo, chè, nước ngọt…). Có thể ăn thường xuyên với số lượng vừa đủ theo nhu cầu những thực phẩm ít gây tăng đường huyết như cá, thịt nạc, đậu hũ, gạo không chà xát quá trắng, các loại đậu nguyên hạt, rau – củ – quả ít ngọt (thanh long, bưởi, lê, mận, táo), yaourt, sữa ít béo và không đường. Hạn chế ăn mặn (ít hơn một muỗng (muối) cà phê/ngày) và các loại thực phẩm chế biến sẵn (mì gói, chả giò, chả lụa). Hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá), da, phủ tạng (tim, gan, óc, thận). Khi chế biến thức ăn cần chú ý: không xay nhuyễn và hầm quá nhừ, không chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao như chiên, nướng. Hạn chế bia (ít hơn 330ml/ngày), rượu (ít hơn 150ml/ngày đối với rượu vang, ít hơn 30ml/ngày đối với rượu mạnh). Uống đủ nước (6-8 ly/ngày). “Ngoài chế độ ăn hợp lý nên tập thể dục thường xuyên, đều đặn và phù hợp với tình trạng sức khỏe”, BS. Diệp nhấn mạnh.
TS.BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “ĐTĐ là một bệnh có thể phòng ngừa được cho người bình thường và người tiền ĐTĐ với biện pháp dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục đều đặn. Ngoài ra, mỗi người hãy biết cân bằng cảm xúc, không nên quá căng thẳng, buồn phiền dễ gây stress. Bởi stress cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh ĐTĐ”.
Thùy Linh
Bình luận (0)