Một bệnh nhân bị bệnh gout. Ảnh: T.L |
Nhiều người có sức khỏe nên rất chủ quan trong ăn uống, nhất là khi điều kiện cuộc sống đầy đủ về vật chất như hiện nay. Đây là nguy cơ tiềm ẩn cho căn bệnh thừa chất mà trong y học gọi là bệnh gout (mọi người quen gọi là bệnh gút).
Thừa chất đạm
Đã ngoài 40 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Lý (phường Đa Kao, Q.1 TP.HCM) còn rất phong độ, hầu như không có bệnh tật gì. Thế nhưng hai năm gần đây, trong người anh xuất hiện một căn bệnh lạ. Anh Lý kể: “Nhiều đêm tôi ngủ không được vì các ngón chân, ngón tay nóng ran, đau đớn như có lửa đốt ở trong đó. Một thời gian sau, các khớp tay và chân bắt đầu sưng phồng lên. Tôi không ngờ mình đã bị bệnh gout cấp tính”.
Theo BS. Nguyễn Văn Thắng – Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật y học (Trường Đại học Y dược TP.HCM) thì gout gây ảnh hưởng tới những khớp lớn trên ngón chân cái, mắt cá chân nhưng cũng có khi lan rộng tới bàn tay, cổ tay, khớp bàn chân. Các triệu chứng gout thường xảy ra đột ngột không có biểu hiện nào được báo trước. Đau nhức về đêm như anh Lý là hiện tượng phổ biến đối với các bệnh nhân gout. Về nguyên nhân, BS. Thắng cho biết thủ phạm chính là do nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao. Thông thường acid uric được phân hủy vào trong máu và sau đó thải ra ngoài qua thận bằng đường nước tiểu. Nhưng ở một số người, cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric trong lúc đó lại thải chất này theo đường ra quá ít. Hậu quả là acid uric trong máu tăng lên theo kiểu “tích tiểu thành đại” sau đó cứ thế lắng đọng lại thành những tinh thể sắc nhọn hình kim tại các khớp hoặc các bao quanh khớp. Từ đây mới sinh ra triệu chứng viêm sưng các khớp chi và gây ra những cơn đau dữ dội. Được biết chất acid uric có mặt phần lớn ở các bộ phận lục phủ ngũ tạng của động vật như ruột, gan, thận, não… và các loại thịt gia cầm, gia súc. Điều này cũng đúng như thừa nhận của “người trong cuộc” vì trước đây anh Lý ăn rất nhiều loại thịt gia súc đặc biệt là thịt đỏ như bò, trâu, cầy… Qua nghiên cứu tìm hiểu, các nhà y học còn tìm ra được một số thủ phạm khác gây ra “căn bệnh đau khổ” này như: Bia rượu, gen di truyền, một số bệnh lý và thuốc như mỡ trong máu, tăng huyết áp, đái tháo đường… Ngoài ra, tuổi tác và giới tính con người cũng quyết định căn bệnh này: Đàn ông tỷ lệ cao hơn phụ nữ, người già mắc bệnh gout nhiều hơn người trẻ.
Điều chỉnh lối sống
Bệnh gout cũng theo từng cấp độ khác nhau từ thể nhẹ đến nặng, từ cấp tính đến mãn tính. Tùy vào đó mà các BS đưa ra phác đồ điều trị hợp lý như: Uống thuốc kháng viêm để chống sưng đỏ và giảm đau nhức (Indomethacin, Ibuprofen, Prednisone…). Tuy nhiên, điều lưu ý là các loại thuốc này nếu sử dụng dài ngày, không đúng liều lượng dễ bị viêm loét và chảy máu dạ dày. BS cũng có thể cho người bệnh dùng Colchicin hoặc tiêm Cortisone trực tiếp vào khớp nếu bạn đã bị gout cấp tính với mục đích giảm bớt lượng acid uric trong máu. Theo kinh nghiệm của anh Lý, cách điều trị bệnh gout có hiệu quả nhất là tự mình điều chỉnh lại lối sống bằng phương châm “không được ăn quá nhiều đạm động vật”. Không chỉ hạn chế với các loại thịt gia cầm, gia súc, người bệnh còn nói lời đoạn tuyệt với các món cháo lòng, phá lấu, lẩu hải sản… Anh Lý còn cho biết có thời gian bệnh nặng, anh phải ăn cơm rau hoặc có khi chỉ là cháo trắng mà thôi… Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh sẽ hạ thấp tỷ lệ chất acid uric. Từ những “nhân chứng sống” cũng như lời khuyên của nhiều BS mà hiện nay, không ít người già và cánh đàn ông đã bắt đầu ý thức được chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sống của mình. Điều này không ngoài mong muốn đẩy lùi căn bệnh gout trước khi nó tìm cách lăm le xâm lấn vào trong cơ thể con người.
Ngọc Quang
Bình luận (0)