Hội nhậpThế giới 24h

Trung Quốc nỗ lực ổn định kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Số liệu mới nhất của Cục Thống kê quốc gia cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục

Lạm phát ở Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9-2022, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh nhất trong hơn 2 năm, theo dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia (NBS) công bố hôm 14-10. Theo NBS, CPI của Trung Quốc trong tháng rồi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, con số này hồi tháng 4-2020 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Sự gia tăng của CPI phần lớn chịu tác động của giá lương thực, thực phẩm tăng trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục. Đáng chú ý, giá thịt heo tăng 36%, mức cao nhất kể từ tháng 8-2020.

Nếu loại trừ lương thực và năng lượng, CPI cốt lõi chỉ tăng 0,6% so với 1 năm trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 1-2021.

Một số chuyên gia nhận định xu hướng nói trên của CPI cốt lõi và PPI cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng kém khởi sắc trong nước và sụt giảm ở bên ngoài Trung Quốc. Theo đài CGTN (Trung Quốc), một yếu tố tác động khác là sự biến động của giá dầu thô giữa lúc xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, gần đây quyết định giảm mạnh sản lượng vào tháng 11.

Trung Quốc nỗ lực ổn định kinh tế - Ảnh 1.

Giá thịt heo tăng đáng kể ở Trung Quốc vào tháng 9-2022. Ảnh: Reuters

Trước đó, số liệu mới nhất của NBS cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở Trung Quốc trong tháng 9 là 50,1. Con số này trong tháng 8 là 49,4. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.

Ông Zhao Qinghe, chuyên gia của NBS, nhận định PMI đã quay trở lại vùng mở rộng trong bối cảnh các chính sách, biện pháp ổn định nền kinh tế tiếp tục được thực thi và ảnh hưởng tiêu cực của nắng nóng giảm bớt.

Những số liệu trên được công bố vào thời điểm kinh tế Trung Quốc gặp khó bởi chính sách không khoan nhượng với dịch COVID-19 và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. Theo Reuters, tính đến ngày 10-10, có 36 thành phố (chiếm 13,9% dân số và đóng góp 19,7% GDP) ở Trung Quốc thực hiện các biện pháp khác nhau để đối phó dịch COVID-19.

Không nhiều chuyên gia tin rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay như mục tiêu chính thức đề ra.

Riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 11-10 dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với con số 3,3% của lần ước tính trước đó. Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc trong 40 năm qua – theo tờ South China Morning Post.

Theo IMF, triển vọng kinh tế Trung Quốc bị phủ bóng bởi một loạt yếu tố, như các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mạnh mẽ, lĩnh vực bất động sản xuống dốc, tình hình địa chính trị nhiều biến động.

Trung Quốc dự kiến vào tuần sau công bố dữ liệu về tăng trưởng GDP trong quý III/2022. Theo Công ty Dữ liệu tài chính Wind (Trung Quốc), giới phân tích dự báo kinh tế nước này sẽ tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này trong quý II chỉ 0,4%. 

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

Bình luận (0)