Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nắng nóng, cảnh báo nguy cơ viêm phổi ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu ngâm mình trong hồ bơi với thời gian lâu, trẻ sẽ dễ bị VP (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Duy England

Viêm phổi  (VP) là tình trạng viêm ở phổi thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. VP là bệnh rất phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trong mùa nóng mà nếu không được phát hiện, chữa trị sớm, đúng cách trẻ rất dễ tử vong.
Những nguy cơ cần cảnh giác
Thời tiết nóng nực, trẻ thường muốn bật điều hòa, mở quạt điện hoạt động hết công suất. Ngoài ra, trẻ còn thích ăn các đồ ăn lạnh, thích được đi bơi hoặc ngâm mình trong nước… Các bậc cha mẹ thường dễ dàng chấp nhận theo mong muốn của trẻ. Tuy nhiên, theo ThS.BS Đình Thạc, chuyên viên tham vấn Nhi khoa – BV Nhi đồng I  TP.HCM thì : “Những việc làm này nếu không đúng mực hoặc không dừng đúng lúc sẽ là nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh VP. Khi nắng nóng, nhiều gia đình hay chuẩn bị nước, các loại quả hoặc chè, sinh tố ướp lạnh sẵn trong tủ lạnh để cho trẻ ăn mỗi lúc trẻ có nhu cầu. Nếu trẻ dùng đồ ăn, nước uống lạnh liên tục trong nhiều ngày thì rất có thể làm cho các bộ phận nhạy cảm ở họng, miệng, hầu, thanh quản cũng như các bộ phận khác của đường hô hấp dưới bị tổn thương. Biểu hiện của sự nhiễm lạnh là viêm họng, hầu hoặc viêm thanh quản. Và từ các bệnh này, trẻ sẽ bị VP từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng nếu không phát hiện kịp thời. Việc sử dụng máy điều hòa mà nhiệt độ quá chêch lệch giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng thì sẽ không thích hợp với sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ ở trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ liên tục trên 4 giờ thì da, họng hầu, đường hô hấp của trẻ sẽ bị khô, từ đó các loại vi sinh vật, vi khuẩn dễ tấn công. Trời nóng nực cho nên trẻ thường được tắm. Nếu tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình trong hồ bơi với thời gian lâu thì trẻ cũng rất dễ bị cảm lạnh gây viêm họng, viêm amidan hoặc nặng hơn là VP. Trẻ bị VP cũng có thể kèm theo triệu chứng tiêu chảy. Vì vậy, khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, tím tái và có tiêu chảy thì nên đưa trẻ đến BS chẩn đoán bệnh VP”.
Phòng ngừa và chăm sóc trẻ VP
Để hạn chế trẻ mắc bệnh VP trong mùa nóng thì cần hạn chế trẻ dùng nước mát, nước đá, hoa quả và các thực phẩm chế biến sẵn để trong tủ lạnh. Về việc này, các bậc phụ huynh cần kiểm soát được hành vi sử dụng của trẻ, nhất là các trẻ lớn. Mỗi khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, nên có sự điều chỉnh nhiệt độ hợp lý (chênh lêch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời khoảng 2-3 độ là vừa). Khi trẻ chơi hoặc trẻ ngủ, không nên cho quạt máy xoáy vào trẻ và chỉ nên dùng tốc độ của quạt ở mức độ thấp hoặc trung bình. Mặc dù là mùa nắng nóng nhưng khi tắm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, nên dùng nước ấm là tốt nhất và không nên cho trẻ tắm nước lạnh. Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên như ho, hắt xì hơi, chảy nước mũi hoặc có kèm theo sốt thì cần nhanh chóng cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh, không nên chần chừ làm bệnh của trẻ nặng thêm gây khó khăn cho việc xử trí khi được khám bệnh.
“Khi trẻ bị VP, cần đưa trẻ đi khám và có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nằm viện. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, các gia đình cần lưu ý cho trẻ uống kháng sinh theo đúng chỉ định của thầy thuốc, bảo đảm đủ liều lượng, đúng thời gian. Nếu sau khi uống thuốc, trẻ bị nôn thì 30 phút sau nên cho trẻ uống liều thuốc khác. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn đủ chất để tăng sức đề kháng, uống đủ nước, vì với những trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc VP, nước có tác dụng làm loãng đờm, giảm ho” – BS. Đình Thạc khuyến cáo.
PHỤNG DIỄM

 

Bình luận (0)