Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Người lớn “cho” trẻ em hút thuốc lá thụ động

Tạp Chí Giáo Dục

KTL ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.  Ảnh: T.L

Tác hại của khói thuốc lá (KTL) ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt với trẻ em, điều này hầu hết các bậc phụ huynh đều biết. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều phụ huynh cứ nghĩ hút thuốc lá thụ động sẽ ít nguy hiểm hơn vì nồng độ khói ít hơn so với hút trực tiếp.
Nguy cơ mắc bệnh lý hô hấp, hen suyễn
“Khi nói về nguy cơ ngửi KTL khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý hô hấp, nhiều người cho rằng “người nhà hút thuốc ở phòng khác, không hút thuốc gần bé nên không nguy hiểm”. Có người còn cho rằng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà không biết rằng con em mình đang phải hút thuốc lá thụ động, đây là một sai lầm nguy hiểm.Thuốc lá không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe người lớn mà còn có nhiều tác hại rõ rệt đến sức khỏe trẻ em dù rằng các cháu chỉ hít phải KTL do người lớn thải ra một cách thụ động” – BS. Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM  khẳng định.
Cũng theo BS. Tuấn thì chính dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy có khuynh hướng tồn đọng trong phòng lâu hơn và có nồng độ của những chất độc (trong đó có cả chất gây ung thư) cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì thế, tác hại của tình trạng hít KTL thụ động này thể hiện rõ nhất trên các bệnh lý hô hấp: Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT): Trẻ hít KTL thụ động bị tăng gấp đôi nguy cơ mắc NKHHCT, tăng nguy cơ viêm tai giữa và viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi),  độ nặng của bệnh cũng gia tăng. Trẻ dưới 1 tuổi, là con của những người hút thuốc lá sẽ bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con người không hút thuốc. Đối với bệnh hen suyễn, nếu mẹ hít khói thuốc lá thụ động trong thời gian mang thai, con sinh ra sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh suyễn. Trẻ bị viêm tiểu phế quản khi bị hít KTL thụ động sẽ dễ tiến triển thành bệnh hen suyễn hơn dù rằng trong gia đình không có ai mắc bệnh hen suyễn.  Trẻ bị suyễn có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Tất cả các chuyên gia về hen suyễn đều nhận định thống nhất rằng: KTL chính là yếu tố gây khởi phát cơn suyễn hàng đầu ở trẻ em và không thể điều trị suyễn tốt được nếu trẻ còn tiếp xúc với KTL.
Và nhiều bệnh khác
BS. Tuấn cũng nhấn mạnh, ngoài các bệnh lý gây ra cho đường hô hấp, hen suyễn, hút thuốc lá thụ động còn có tác hại lên cơ quan khác như não, tim, đường ruột… Khi trẻ hít phải KTL làm cho não suy giảm chức năng nhận thức, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt gấp 3 lần, trẻ sẽ có kết quả học tập kém hơn, nhất là khả năng đọc và làm toán. Trẻ hít KTL thụ động sống chung nhà với một bệnh nhân lao sẽ có tỷ lệ nhiễm lao cao gấp gần 5 lần, đồng thời làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ em. Hút thuốc lá thụ động có thể ảnh hưởng lên hệ thống cơ tim của trẻ. Những ảnh hưởng này bao gồm việc hạn chế cung cấp ôxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, nguy cơ loét đại tràng cũng tăng gấp 2 lần. Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho trẻ. Điếc khi trẻ còn nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập.
Hút thuốc thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây các loại bệnh đường ruột mạn tính khác, viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.
Thái Khuê

 

Bình luận (0)