Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Rước” bệnh vì lạm dụng thuốc thông mũi

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang khám VMDƯ cho bệnh nhân. Ảnh: Q.N

Có người chỉ bị bệnh viêm mũi dị ứng (VMDƯ) nhiều khi thời tiết chuyển mùa, nhưng cũng có người lại bị bệnh này quanh năm do dị ứng với không khí, vi sinh vật và đặc biệt là lạm dụng thuốc thông mũi.
Bệnh do không khí và côn trùng
Không khí ô nhiễm ở các đô thị (hóa chất, khói bụi) khiến nhiều người bị VMDƯ. Tuy nhiên, khi sống hay làm việc trong các không gian cách ly với không khí ô nhiễm của đô thị, không ít người vẫn bị bệnh này. Lý do là ở các không gian kín, việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ phổ biến đã tạo điều kiện tốt cho các yếu tố gây bệnh phát triển, chẳng hạn như trong thảm trải sàn, nơi tích lũy bụi và nhiều vi sinh vật.Về phía côn trùng tại nơi ở thì mạt nhà là con vật đáng sợ. Chúng có mặt trong các đồ dùng như chăn, gối, nệm ghế, nệm giường. Thuộc họ nhện, kích thước chỉ khoảng 1/4mm, mạt nhà sống bằng lớp da bong của người và thực phẩm mốc meo. Nhiệt độ 25-30oC và độ ẩm khoảng 75-85% trong phòng là môi trường rất thuận lợi cho chúng sinh sản.Một con mạt nhà có thể cho ra 20 hạt phân mỗi ngày và đây chính là dị nguyên của bệnh VMDƯ. Nhỏ và nhẹ hơn bụi nhà, phân của mạt nhà có thể dễ dàng đi vào phổi người qua đường hô hấp. Tiêu diệt hoàn toàn mạt nhà là điều hầu như không thể, nhưng vệ sinh nhà ở, phòng ngủ là cách hữu hiệu nhất để giảm thiểu nguồn dị ứng với bệnh này.
Không nên lạm dụng thuốc thông mũi
Nhiều người bệnh khi thấy khó chịu là tự ra nhà thuốc và được nhân viên bán thuốc (hầu hết không phải là dược sĩ) bán cho thuốc kháng dị ứng, kèm theo một chai thuốc nhỏ mũi (hoặc xịt mũi), thường được hiểu là thuốc trị “nghẹt mũi, chảy mũi”. Dùng thuốc nhỏ hay xịt, người bệnh thấy rất dễ chịu vì cảm nhận được tức thời sự thông mũi. Tuy nhiên, việc tự điều trị một thời gian dài thường dẫn đến những hậu quả khó lường. Người viết bài này đã từng gặp các bệnh nhân bị VMDƯ tự ý sử dụng hàng trăm chai thuốc nhỏ mũi trong một thời gian dài và cảm thấy “nghiện”, đến nỗi gần như lúc nào cũng phải đem theo bên mình, thỉnh thoảng lại lấy ra nhỏ mũi. Do làm co mạch máu mũi, giảm sung huyết và phù nề niêm mạc mũi nên các thuốc nhỏ hay xịt mũi nêu trên có thể làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Nhưng, đây là loại thuốc chỉ được dùng trong khoảng 5-7 ngày và không phải là loại thuốc “chủ lực” trong điều trị VMDƯ. Nếu dùng thường xuyên và lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng niêm mạc mũi bị “trơ” với thuốc, mạch máu mũi ít hay không còn co lại khi nhỏ thuốc. Hậu quả là thuốc không còn hay ít có tác dụng làm giảm nghẹt mũi. Nếu như khi mới sử dụng, người bệnh chỉ cần dùng một vài lần mỗi ngày là hết nghẹt mũi thì càng về sau càng phải dùng nhiều lần hơn. Điều tai hại hơn nữa là bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy nghẹt mũi, chứ không phải chỉ khi “trái gió trở trời”. Y học gọi tình trạng này là viêm mũi do dùng thuốc. Đến giai đoạn này, BS không những phải điều trị VMDƯ mà còn phải giúp người bệnh cai thuốc nhỏ mũi. Một số bệnh nhân có thể dừng ngay việc sử dụng thuốc nhỏ hay xịt mũi nhưng có bệnh nhân không thể bỏ hoàn toàn nên phải giảm dần số lần nhỏ hay xịt mũi. Việc điều trị khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với điều trị VMDƯ các dạng thông thường. Vì vậy, để bệnh không trở nên phiền phức hơn, người bị bệnh này không nên tự ý dùng thuốc khi chưa hiểu rõ tác dụng của thuốc. Đừng để bạn và người thân vô tình trở thành nạn nhân hay nô lệ của dược phẩm chỉ vì thiếu hiểu biết.
BS. Trần Quý Ngọc
(Chuyên khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM)

Bình luận (0)