“Rất sôi động” là cụm từ mà những người làm công tác tuyển sinh tại các trường đại học nhận định mùa tuyển sinh năm nay.
Tỉ lệ thí sinh ảo rất cao
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá công tác xét tuyển vào các trường tốp trên trong đợt 1 năm nay sẽ gay cấn hơn năm ngoái, do việc thu hẹp NV để định hướng nghề nghiệp cho thí sinh nhưng cũng gây ảo trong xét tuyển.
Ông Dũng cho rằng tỉ lệ thí sinh ảo năm nay là 50/50, đây là điều không thể tránh khỏi trong tuyển sinh. Cùng đó, các trường sẽ phải tính toán rất cực mới đảm bảo tỉ lệ thí sinh không thiếu. “Với các trường tốp trên chỉ tuyển một đợt là đủ chỉ tiêu, tuy nhiên năm nay không loại trừ khả năng sẽ kéo dài sang đợt 2” – ông Dũng nhận định.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đánh giá cuộc đua vào trường tốp trên trong xét tuyển đợt 1 sẽ rất sôi động. Đồng thời, cuộc đua đợt 2 vào trường tốp dưới cũng không kém gay gắt. Lý do thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển tối đa bốn NV vào hai trường đại học để tăng cơ hội trúng tuyển. Như vậy, tỉ lệ ảo thông thường là 50/50 thì năm nay tỉ lệ ảo dự báo sẽ là 70/30.
Cụ thể, với một thí sinh có điểm cao đăng ký bốn NV, về thực tế thí sinh này có thể trúng tuyển cả bốn NV tại hai trường. Đến giờ chót, thí sinh này chỉ chọn một trường, một ngành, như vậy ba ngành còn lại dù đã trúng tuyển nhưng thí sinh này không lựa chọn. Đây chính là con số ảo NV đăng ký khiến các trường phải tính toán rất kỹ lưỡng mới đảm bảo chỉ tiêu. Việc tỉ lệ ảo tăng cao sẽ khiến các trường khó khăn hơn trong việc cân đối tỉ lệ thí sinh trúng tuyển để gọi nhập học.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: P.ĐIỀN
Chọn ngành rồi mới chọn trường
ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhận định: Mùa tuyển sinh năm nay sẽ rất sôi động, trong đó cuộc đua vào các trường tốp trên và tốp giữa của đợt 1 sẽ có nhiều gay cấn.
Điểm đáng lưu ý là tuyển sinh đợt 2 năm nay không bắt buộc điểm phải cao hơn đợt 1, đây là sự thuận lợi cho thí sinh có mức điểm các môn xét tuyển trung bình. “Để giải quyết tình trạng ảo này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án buộc thí sinh khi đăng ký vào ngành nào, trường nào phải có phiếu xác nhận trở lại và không được rút hồ sơ” – ông Sơn nói.
Ông Sơn lưu ý thí sinh nên ưu tiên chọn ngành mình đã đam mê và có định hướng từ đầu để có sự hứng thú học tập. Tiếp đến mới chọn trường, vì ngành mình thích nhưng điểm không an toàn cũng khó lọt vào trường mình thích.
Như vậy khi chọn trường, thí sinh cần lưu ý điểm của mình nằm ở ngưỡng nào để chọn trường tốp trên, tốp giữa và tốp ngang điểm sàn không quá tầm với. Ngoài ra, thí sinh, phụ huynh nên lưu ý giá trị thương hiệu và uy tín của một trường cần xây dựng lâu dài, trong đó các trường tốp giữa những năm gần đây đều có sự bứt lên, đây cũng là lưu ý khi lựa chọn.
Đặc biệt, thí sinh không nên so sánh mức điểm ngành này của năm này so với năm khác để tính toán đăng ký NV vì đây chỉ có giá trị tham khảo. Mặt khác, điểm sàn giữa các ngành luôn có sự lệch nhau khá xa.
Những lưu ý về việc nộp hồ sơ Từ ngày 1-8-2016, các trường ĐH-CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Thí sinh cần chuẩn bị một phong bì đã dán sẵn tem, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua bưu điện, đăng ký xét tuyển trực tuyến qua mạng và nộp trực tiếp tại trường. Nguyện vọng 1: Thí sinh dùng mã số trong giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển NV1 để đăng ký vào hai trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa hai ngành. Thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển đợt 1 là 12 ngày. Thí sinh đã trúng tuyển NV1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển NV bổ sung. Xét tuyển các nguyện vọng bổ sung: Thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày. Mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển mỗi đợt vào tối đa ba trường, mỗi trường tối đa hai ngành đào tạo. Nếu đã trúng tuyển ngành một thì không xét ngành sau đó. Lưu ý là mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi NV đăng ký xét tuyển hay rút hồ sơ. Khi nộp hồ sơ xét tuyển, thí sinh nên lưu ý điểm của mình so với điểm chuẩn lệch bao nhiêu, vì điểm sàn là mức trung bình mà nhiều thí sinh cùng đạt để tính toán tỉ lệ trúng tuyển của mình vào ngành đó cao hay thấp. ThS PHẠM THÁI SƠN, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM |
PHONG ĐIỀN (PLO)
Bình luận (0)