Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Du lịch sinh thái hay bảo tồn?

Tạp Chí Giáo Dục

Cỡi voi, bơi cùng với cá heo và thậm chí cỡi hổ là những sở thích không ít của các du khách. Nhưng việc nuôi nhốt động vật hoang dã, nhất là với những chủng loài có nguy cơ tuyệt chủng và bắt chúng phục vụ con người đã bị nhiều nhóm bảo vệ động vật hoang dã phản đối. Chính vì vậy, gần đây, nhiều công ty du lịch hàng đầu thế giới như TripAdvisor, Intrepid Travel, STA Travel… đã phải hủy bỏ các tour có những hình thức khai thác động vật hoang dã. Ngay cả việc sử dụng động vật hoang dã như voi để diễn xiếc hay làm trò cũng bị các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng phản đối.

Cỡi voi, một hình ảnh thường thấy ở các tour du lịch tại Thái Lan

Trong tháng 8, Cơ quan khí quyển và đại dương của Mỹ đã đề nghị ngừng tour bơi cùng cá heo ở Hawaii sau khi xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi và áp lực của loài cá thông minh này.

Mặc dù vậy, cũng đã xuất hiện tranh cãi giữa các nhà khoa học, những tổ chức bảo tồn với các nhà điều hành du lịch khi có ý kiến cho rằng chính những khu bảo tồn thú hoang dã phục vụ du lịch mới là cách hữu hiệu nhất ngăn chặn tình trạng động vật hoang dã bị giết hại. Nhà sinh thái học kiêm bảo tồn sinh vật Daniel Blumstein tại Đại học California ở Los Angeles, Mỹ phát biểu trên tờ The Christian Science Monitor rằng, du lịch sinh thái sẽ giúp bảo vệ động thực vật như việc ngăn chặn săn bắn thú hay chặt cây.

Tuy nhiên, theo giáo sư Blumstein, vẫn có tác động tiêu cực trong việc tương tác giữa con người và động vật hoang dã. Theo kết quả nghiên cứu công bố tháng 10-2015, giáo sư này cho rằng du lịch sinh thái đã làm thay đổi hành vi của động vật, có thể làm giảm khả năng tự bảo vệ và bản năng của chúng. Theo điều tra của kênh National Geographic, để huấn luyện những con voi ở Thái Lan có thể cho du khách cỡi hay làm nhiều trò khác, những người chủ của chúng đã phải dùng roi gắn đinh quất vào những chú voi ngay từ khi chúng còn nhỏ. Kết quả là khi đã thuần thục, các con voi thương tích đầy mình. Hơn thế nữa, những động vật hoang dã khi được khai thác du lịch, được cho ăn và nuôi nhốt đã không còn bản năng sinh sống trong điều kiện tự nhiên.

Theo giáo sư Nick Kontogeorgopoulos, Đại học Puget Sound, Tacoma, bang Washington, Mỹ, việc huấn luyện voi ở Thái Lan còn nhiều việc phải bàn nhưng theo ông, cũng không nên cấm hoàn toàn việc huấn luyện voi phục vụ du lịch. Giáo sư Kontogeorgopoulos từng thăm nhiều trại huấn luyện voi ở Thái Lan, ông nhận thấy một số trại nuôi voi trong điều kiện chật hẹp, cho ăn không đủ dinh dưỡng lại khai thác triệt để du lịch, nhưng một số trại khác có điều kiện nuôi dưỡng tốt lại không bắt voi khai thác du lịch quá mức. Theo ông, voi ở Thái Lan không còn nơi nào để bảo tồn khác hơn là phục vụ du lịch, mặc dù điều đó không phải là hoàn hảo. Điều quan trọng là đừng bắt voi phải phục vụ du khách quá mức.

Theo đa số ý kiến, quyết định khai thác động vật hoang dã phải dựa vào từng trường hợp cụ thể sao cho đảm bảo tốt nhất vấn đề đa dạng sinh học. Theo TripAdvisor, trong lúc còn một số quan điểm khác nhau, hãy để người tiêu dùng, tức du khách quyết định xem họ muốn khai thác động vật hoang dã hay không. Riêng công ty này, họ cho biết trước mắt ngừng bán vé các tour có sử dụng động vật hoang dã, nhưng tương lai sẽ có kế hoạch kết hợp một số biện pháp hướng dẫn du khách về bảo vệ động vật hoang dã.

HUY QUỐC/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)