Sau hơn 10 năm thực hiện, Dự án phát triển ngành lâm nghiệp đã góp phần vào cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân trong vùng dự án, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và an ninh xã hội, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế cho các hộ gia đình…
Làm giàu nhờ trồng keo tai tượng
Dự án phát triển ngành lâm nghiệp (FSDP) hay còn gọi là Dự án WB3 nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển ngành lâm nghiệp giữa chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai từ tháng 8/2005. Đây là dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam và Quỹ bảo tồn thiên nhiên.
Là người dân được hưởng lợi từ dự án, năm 2005 hộ gia đình ông Hồ Văn Ngọc ở thôn 5, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã vay 50 triệu đồng để trồng 5,2 ha cây keo tai tượng cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, quanh năm phải làm thuê, làm mướn cũng chẳng đủ cho 5 miệng ăn. Nhưng từ khi gia đình tôi được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua NHCSXH, cụ thể là chương trình cho vay Dự án phát triển ngành lâm nghiệp để trồng cây keo tai tượng. Năm 2013, rừng keo tai tượng cho thu hoạch tôi đã trả được nợ vay ngân hàng, hiện gia đình tôi đã thoát được cận nghèo. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, vợ chồng tôi đồng thuận tiếp tục vay NHCSXH 125 triệu để đầu tư trồng rừng. Hy vọng sẽ đổi đời nhờ rừng”. Ông Ngọc cho biết thêm, sau 5-7 năm rừng keo sẽ cho thu hoạch từ 70-80 triệu đồng/ha, trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận thu được sẽ đạt từ 7-10 triệu đồng/ha.
Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc ông Huỳnh Tấn Xuân chia sẻ: Từ vùng đất bạc màu, năng suất cây trồng hàng năm thấp, nhưng từ khi thực hiện FSDP nhiều hộ đã biết chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế vườn rừng, áp dụng mô hình nông-lâm kết hợp để tăng diện tích rừng trồng trong những năm đầu bằng cách trồng xen kẽ với các loại cây ngắn ngày, sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách với lãi suất thấp… nhờ đó đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi đáng kể, môi trường sống được cải thiện, hoạt động trồng rừng bền vững đã góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cho người dân địa phương, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh…
10 năm phủ hơn 70 ngàn ha rừng
Trên cơ sở Hiệp định tín dụng phát triển được ký ngày 4/4/2005 và Hiệp định tài trợ bổ sung được ký ngày 15/6/2012 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với WB, theo đó, Bộ Tài chính cũng đã ký với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) 2 Hiệp định vay phụ với tổng số tiền là 693,5 tỷ đồng để NHCSXH cho vay đối với các hộ gia đình tham gia trồng và chăm sóc rừng trồng, phát triển thể chế và hoạt động giám sát, đánh giá của NHCSXH.
Thời điểm 31/3/2015 là thời gian kết thúc việc NHCSXH rút vốn từ Bộ Tài chính, tuy nhiên hoạt động cho vay nguồn vốn quay vòng vẫn được NHCSXH duy trì thực hiện 20 năm nữa để tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân được tiếp tục vay vốn trồng và chăm sóc rừng.
Tính đến 31/10/2016 tổng dư nợ của dự án đạt gần 492 tỷ đồng với trên 15 nghìn khách hàng còn dư nợ, trong đó Quảng Nam là một trong 6 tỉnh của dự án dẫn đầu về số lượng khách hàng và số dư nợ (dư nợ đạt trên 164 tỷ đồng với hơn 4.300 hộ gia đình vay vốn).
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, dự án đã có tác động tích cực về nhiều mặt bao gồm phát triển kinh tế – xã hội, môi trường và ngành lâm nghiệp. Việc tham gia thực hiện trồng rừng dự án đã làm thay đổi đời sống kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn có diện tích tham gia trồng rừng cũng như sống xung quanh rừng từ việc bán sản phẩm cho đến làm thuê trong lĩnh vực lâm nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân góp phần vào bảo đảm an ninh trật tự xã hội tại địa phương, làm tăng của cải cho xã hội và có đóng góp tích cực vào giảm nghèo. Hoạt động của dự án đã có đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam (năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 15,5%, đến năm 2015 khoảng cách này thu hẹp còn dưới 5%).
Dự án triển khai giai đoạn I (từ năm 2005 đến năm 2011) tại 04 tỉnh bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Thừa Thiên – Huế. Giai đoạn II từ năm 2012 đến tháng 3/2015 với việc mở rộng thêm 2 tỉnh mới là Thanh Hóa và Nghệ An. Mục tiêu chính của FSDP là quản lý rừng trồng sản xuất bền vững và hiệu quả, bảo tồn sự đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, tăng cường đóng góp của ngành lâm nghiệp vào công cuộc giảm nghèo tại Việt Nam với trên diện tích khoảng 70.300 ha tại 6 tỉnh dự án.
Phan Anh (TPO)
Bình luận (0)