Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm loét dạ dày, tá tràng ngày càng gia tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ nhỏ cũng có thể bị tổn thương DDTT do nhiễm vi khuẩn HP

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Viêm loét dạ dày (DD), tá tràng (TT) là một bệnh khá phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh chiếm khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa. Bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng”…
Đau bụng không rõ nguyên nhân
Dạo gần đây chị Hạnh Nguyên (30 tuổi) thường xuyên bị đau bụng, đói cũng đau mà no cũng đau. Có những hôm chị đau tái xanh cả mặt. Tuy vậy, chị ngại đi bệnh viện vì sợ mất thời gian. Tuần vừa qua, chị đi ngoài phân đen kèm đau bụng dữ dội nên vội vã đi Bệnh viện Q.3. Qua thăm khám, BS kết luận chị bị bệnh viêm loét DDTT.
Bệnh viêm loét DDTT không chỉ xảy ra với người trưởng thành mà trẻ nhỏ cũng mắc. Chẳng hạn như trường hợp bé Thủy Trúc (2 tuổi), con chị Thanh Thủy (P.Tân Định, Q.1). Chị Thanh Thủy cho biết: “Vì bé còn nhỏ, nói chưa rõ nên mỗi khi đau bụng chỉ biết khóc và xoa bụng. Thường thì mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết lấy dầu bôi vào bụng con. Có lần, sau khi bôi dầu bé không khóc nữa, nhưng cũng có nhiều lần vô tác dụng. Mãi đến khi đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 2, tôi mới hay con mình bị viêm loét DDTT”.
Bệnh viêm loét DDTT thường có các triệu chứng: Đau bụng có tính chu kỳ (đau ngày lẫn đêm, đau từng đợt), đau có liên quan tới bữa ăn – khi ăn chua cay đau tăng lên. Đợt đau có thể kéo dài vài tuần, có khi vài tháng rồi giảm hoặc hết. Bệnh ổn định hàng tháng, có khi hàng năm, rồi một thời gian nào đó lại đau tái phát; đầy hơi chướng bụng – bệnh nhân ăn không tiêu, luôn cảm thấy ậm ạch trong bụng, không muốn ăn; ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn… Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng DDTT. Nặng nhất là bệnh chuyển sang giai đoạn ung thư…
Phòng bệnh bằng cách nào?
Về nguyên nhân gây bệnh viêm loét DDTT, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: “Do ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, thiếu dinh dưỡng kéo dài, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, ăn vội, nhai không kỹ, rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên: Ăn không đúng bữa, ăn quá khuya, ăn quá no, nhịn đói quá lâu. Đặc biệt là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)”…
Tỷ lệ nhiễm HP ở nước ta khá cao, khoảng 70% ở người lớn, 55% ở trẻ dưới 18 tuổi. Thậm chí trẻ dưới 1 tuổi cũng có tới 6,5% bị nhiễm loại vi khuẩn này… Có tới 75% bệnh nhân bị viêm loét DD và 90% bệnh nhân bị loét hành TT là do vi khuẩn HP gây nên. “HP xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn và nước uống mà đường lây là phân – miệng. Ngoài ra còn tìm thấy HP ở trong chất nôn, nước bọt. Tỷ lệ nhiễm HP cao hơn ở những nước đang phát triển và ở tầng lớp dân cư sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, vệ sinh môi trường kém. Do đó, cần phải vệ sinh ăn uống, cải thiện môi trường sống để giảm tỷ lệ nhiễm HP cũng như giảm bệnh viêm loét DDTT. Những thức ăn nên dùng là sữa, trứng vì chúng có tác dụng đệm trung hòa acid trong dạ dày. Các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá nạc nên chế biến luộc, hấp, om để dễ hấp thu. Đặc biệt, nên dùng sữa chua có bổ sung vi khuẩn có ích BB12 nhằm làm giảm sự phát triển, sự bám dính của các loại vi khuẩn có hại như HP trong đường ruột. Những thức ăn không nên dùng là thịt quay, rán, nướng, thịt ướp muối, cá ướp muối và những thức ăn nhiều dầu mỡ; các loại thịt nguội chế biến sẵn, thức ăn cứng – dai, tỏi, ớt, dưa cà, hành muối, cà phê đặc, rượu và thuốc lá…”, TS. Lâm khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)