Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh giác với bệnh viêm não ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang khám cho một bệnh nhi bị viêm não. Ảnh: T.L

Cứ vào mùa hè nóng bức thì trẻ em thường mắc rất nhiều bệnh. Trong đó, một trong những căn bệnh khá nguy hiểm là viêm não mà các bậc phụ huynh cần biết để có cách phòng tránh hiệu quả, cũng như phát hiện sớm nhằm điều trị kịp thời cho con em mình.
Bệnh này không loại trừ trẻ em ở thành thị hay các vùng  nông thôn. Nếu ngủ không mắc màn, hoặc mặc quần đùi, áo ngắn tay, cởi trần thì nguy cơ bị muỗi và côn trùng đốt càng cao, càng dễ mắc bệnh.
Viêm não virus và viêm màng não mủ
Thấy bé Mai (10 tuổi) kêu đau đầu rồi nôn nên mẹ bé – chị Thu Loan (quận Gò Vấp – TP.HCM) cứ nghĩ bé bị trúng gió hay ăn phải cái gì đó không tiêu nên mới nôn và đau đầu như thế. Tuy nhiên, chị vẫn đưa con đi khám ở bệnh viện cho yên tâm. Sau khi khám xong thì được BS cho biết tim, phổi, họng của bé Mai không có vấn đề gì nhưng cần phải đưa bé đi lấy dịch não tủy để xét nghiệm. Sợ con bị đau nên chị định không làm xét nghiệm mà đưa con về nhà. Nhưng khi nghe BS giải thích rằng nghi ngờ bé Mai bị viêm não, mà nguy hiểm hơn là viêm màng não mủ nên chị mới đồng ý. Nhưng may mắn là bé Mai chỉ bị viêm não do virus Arbovirus – loại virus thường gây bệnh viêm não trong mùa hè.
Viêm não do nhiều loại virus gây ra như: Virus viêm não Nhật Bản; các virus đường ruột; virus thủy đậu, quai bị; virus Arbovirus… Mầm bệnh có ở những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa, côn trùng đốt người truyền bệnh… Nếu chỉ là viêm não do virus thì điều trị đơn giản hơn. Nhưng không loại trừ khả năng đó là viêm màng não mủ do vi khuẩn gây ra. Biểu hiện lâm sàng ở trẻ viêm màng não mủ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp như: Sốt cao, trên 390C (cũng có trường hợp không sốt cao), chảy nước mũi, ho, tiêu chảy… Bệnh viêm màng não mủ rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể bị động kinh, chậm phát triển, thậm chí có thể tử vong.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa
Trẻ bị viêm não thường gồm các dấu hiệu như sốt, choáng váng, đau họng, đau bụng, sổ mũi, hắt hơi, ho. Sau đó bệnh nhi thấy đau đầu và nôn. Nếu tổn thương não sâu hơn, bệnh nhi có các biểu hiện ngủ lịm, hôn mê, thiểu năng trí tuệ… Điều trị viêm não cần được thực hiện tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi cũng như can thiệp kịp thời. Cách điều trị gồm theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, rối loạn nước –  điện giải và nhất là chống phù não. Hầu hết các trường hợp viêm não không cần dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng. Trong trường hợp nặng có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhi cần được điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc… Đối với bệnh viêm não đã có vắc-xin như viêm não Nhật Bản B thì dùng vắc-xin để phòng bệnh, trẻ em và cả người lớn cần tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản B để bảo vệ sức khỏe.
Viêm não bản thân nó không thể phòng ngừa được ngoại trừ biện pháp phòng ngừa các bệnh lý có thể dẫn đến viêm não. Các bệnh này thường là những bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em như sởi, quai bị, thủy đậu và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm chủng. Trong những vùng mà viêm não được lây truyền do côn trùng, nhất là muỗi thì phụ huynh cần tránh cho trẻ chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất); cần mặc áo quần phủ kín tay chân như mang vớ; dùng các chất xua đuổi côn trùng; nằm màn khi ngủ; vệ sinh môi trường: Phát quang bụi rậm, thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi.
BS. Nguyễn Văn Tiến
(BV 175 – TP.HCM)

Bình luận (0)