Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lãnh án 25 năm tù do lừa chạy việc vào ngành công an

Tạp Chí Giáo Dục

Do từng công tác trong ngành công an, có mối quan hệ quen biết nên Hết mượn các quyết định nhân sự có sẵn chữ ký, con dấu của ngành…

Sáng 22.12, sau 1 ngày nghị án, Tòa sơ thẩm TAND TP.Cần Thơ tuyên phạt Nguyễn Văn Hết (49 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) 25 năm tù, Dương Thanh Phong (26 tuổi, ngụ H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) 12 năm tù, Phạm Việt Hoài (26 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) 5 năm tù cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Nguyễn Ngọc Nguyện (41 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) 14 năm tù về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và Hứa Thị Thùy Dung (27 tuổi, ngụ H.Trà Cú, Trà Vinh) 30 tháng tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; đồng thời buộc các bị cáo nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính gần 3 tỉ đồng sung vào công quỹ.
Lãnh án 25 năm tù do lừa chạy việc vào ngành công an
Theo cáo trạng, năm 1985, Hết tham gia lực lượng công an tại tỉnh Hậu Giang (cũ), đến năm 1999 xuất ngũ. Năm 2006, Hết thành lập Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Tiến Đạt và làm chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc. Sau đó, theo quy định, giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ phải có bằng cử nhân luật nhưng Hết không có bằng nên thuê ông Trương Minh Trí (ngụ Q.Ninh Kiều) làm giám đốc nhưng mọi hoạt động đều do Hết điều hành.
Đến năm 2014, biết một số người có nhu cầu xin vào ngành công an, Hết khoe có mối quan hệ với nhiều cán bộ cấp vụ, cục (Bộ Công an) nên có thể xin vào ngành công an hoặc tuyển vào học tại các trường công an. Hết cung cấp các số điện thoại của mình nhưng nói là của các cán bộ Bộ Công an để bị hại xác minh. Thực chất trước đó, Hết đã cấu kết với Dương Thanh Phong và Phan Việt Hoài (nhân viên Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Tiến Đạt) cùng tham gia. Theo đó, Phong và Hoài đóng giả là cán bộ Vụ Tổ chức để giao tiếp với các bị hại qua điện thoại, đồng thời hứa hẹn, ra giá mỗi trường hợp xin vào ngành công an từ 150 – 250 triệu đồng. Sau đó, cả hai đóng giả người nhà của các cán bộ công an đến nhà nhận tiền của người bị hại. Nguyện cũng tham gia đóng vai như Phong, Hoài nhưng làm ít vụ hơn.
Do từng công tác trong ngành công an, có mối quan hệ quen biết nên Hết mượn các quyết định nhân sự có sẵn chữ ký, con dấu của ngành rồi chỉ đạo Phong sao chụp để lấy mẫu dấu, chữ ký, sau đó giao cho Hứa Thị Thùy Dung soạn thảo các văn bản rồi cắt, ghép chữ ký, con dấu vào để làm ra các thông báo, quyết định tuyển dụng giả để giao cho các bị hại.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận, từ tháng 7.2014 – 3.2015, bằng thủ đoạn trên, Hết và đồng phạm đã thực hiện 36 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 3 tỉ đồng.

Mai Trâm (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)