Giá cát tăng làm cho nhiều người dân và nhà thầu gặp khó
Không có hàng bán
Nhìn căn nhà đang trong quá trình đóng cọc, có thể phải ngưng thi công vì giá cát tăng quá cao, anh Nguyễn Ngọc Sang (quận 10) rầu rĩ cho hay đang phân vân không biết tiếp tục xây hay giãn tiến độ. Anh nói: “Tuần vừa qua, nhà thầu thi công mang bảng báo giá xây dựng thấy chi phí đội lên hơn trăm triệu đồng, chủ yếu do giá cát tăng, tôi lo lắm. Chủ thầu có đưa ra hai phương án, nếu xây tiếp thì phải đưa thêm tiền, không thì tạm ngưng chờ giá cát hạ rồi xây. Tuy nhiên, tôi cũng chưa biết quyết thế nào, chờ không biết giá cát có giảm không?”.
Còn chị Hồ Thị Dung (quận Tân Phú) cho biết chị đành phải lựa chọn cát loại 2 cho một số hạng mục để tiếp tục hoàn thiện căn nhà đang xây dở. Chị Dung cho hay: “Sau một hồi nghe nhà thầu phân tích, giá cát loại 1 hiện đã tăng gấp đôi mà những hạng mục còn lại không cần thiết sử dụng loại này, sử dụng cát loại 2 cũng không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, nên tôi tin tưởng xây tiếp”.
Chỉ mới đầu giờ chiều mà cát của cửa hàng vật liệu xây dựng của chị Huỳnh Thị Tâm (quận 10) đã không còn. Có khách đến mua cát vàng, chị Tâm gọi điện thoại cầu cứu nhiều bạn hàng nhưng họ cũng không còn. Chị Tâm cho hay, hiện nay nhiều mối cát cũng không còn hàng để bán. Giá cát vốn ổn định từ nhiều năm nay nhưng sau khi có lệnh tạm ngưng khai thác thì tăng lên từng ngày. Giá cát vàng trước đây 2 tuần khoảng 300.000 đồng/khối, giờ là 600.000 đồng/khối. Giá cát đen khoảng 180.000 đồng/khối, nay lên hơn 300.000 đồng/khối. “Giá hôm nay là vậy nhưng ngày mai không chừng sẽ tăng cao hơn nữa. Vậy mà không có hàng để bán, đầu nậu chỉ giao cho mỗi nơi một ít chứ không nhiều như xưa”, chị Huỳnh Thị Tâm nhận xét. Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ lẻ đều không còn nguồn cát để cung cấp cho thị trường.
Người dân, nhà thầu đều gặp khó
Ông Trần Văn Đạt, giám đốc một công ty xây dựng ở quận 10, vốn có rất nhiều “mối ruột” cung cấp cát cũng nhận xét: “Giá cát hiện nay đã tăng gấp đôi. Nhà thầu gặp khó một thì người dân gặp khó mười. Bởi lẽ, hầu hết chủ đầu tư khi ký hợp đồng xây dựng với người dân đều thỏa thuận nếu giá vật liệu tăng cao thì 2 bên sẽ thương lượng lại chi phí xây dựng theo giá thị trường. Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng nói chung như gạch, sỏi, xi măng chỉ tăng nhẹ. Thị trường có hai loại cát là cát vàng và cát đen, cả hai loại đều tăng giá gấp đôi. Tuy nhiên sắp tới, nếu giá cát tiếp tục tăng cao nữa, không biết xi măng, sắt, thép, sỏi, gạch có “té nước theo mưa” mà tăng lên không? Gặp phải nhà thầu không có “đạo đức”, đưa cát dỏm vào trộn hồ thì nhà sẽ bị xuống cấp nhanh”.
Còn theo chị Nguyễn Thị Nhung, giám đốc một công ty xây dựng ở quận 2, cho biết: “Lúc đầu giá cát tăng ít thì nhà thầu chúng tôi còn cầm cự được, nhưng cho đến thời điểm này đã tăng gấp đôi, buộc chúng tôi phải thương lượng với chủ nhà. Cát thường chiếm khoảng 50% tổng khối lượng công trình nên việc tăng giá khiến nhiều công trình bị đội lên cao. Nhiều nhà thầu vẫn chưa biết phải xử lý như thế nào”.
Trước thực tế giá cát tăng cao, ban quản lý công trình xây dựng thuộc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 cho biết: “Đơn vị chủ yếu sử dụng bê tông thương phẩm nên giá cát tăng cũng làm tăng giá bê tông”. Đại diện ban quản lý đầu tư xây dựng công trình của một quận cũng cho hay, vừa phải làm lại hợp đồng với đơn vị thi công do giá cát tăng.
Theo Tổng Hội địa chất Việt Nam, hiện việc khai thác cát đã giao về cho các tỉnh quản lý. Cát có thể được khai thác ở những bãi bồi, còn việc nạo vét sông cần tính toán thật cẩn trọng nếu không sẽ gây sạt lở. Đơn vị này cũng cho rằng, khai thác cát cần được quản lý chặt hơn, cung không đủ cầu thì giá cát sẽ tăng cao.
THANH HẢI (SGGP)
Bình luận (0)