Trẻ trên một tuổi cần được tiêm vacine phòng ngừa bệnh quai bị. Ảnh: T.L |
Mùa hè, cùng với sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy thì bệnh quai bị cũng xuất hiện nhiều. Bệnh quai bị nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt là vô sinh.
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan thành dịch, nhất là ở các nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, công ty…
Những biểu hiện của bệnh
Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh quai bị. Tuy nhiên, bệnh này ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Bệnh do virus quai bị thuộc nhóm Paramyxo virus gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, qua các bụi nước của hơi thở, truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Người bị bệnh quai bị thường có biểu hiện sốt 38-400C, kèm theo chứng đau đầu, chán ăn, khó nuốt, đau nhức các khớp xương. Biểu hiện rõ hơn nữa là tuyến nước bọt mang tai sưng to rồi lan ra vùng trước tai, xuống dưới hàm. Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ và có tính đàn hồi. Thời gian bị bệnh thường kéo dài khoảng 3-4 tuần lễ.
Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virus quai bị còn gây ra một số biến chứng như viêm màng não, viêm não. Trường hợp của con chị Mai Trang (quận 8 – TP.HCM) là một thí dụ. Thấy con trai 7 tuổi hơi sốt, hai mang tai sưng húp, chị nghĩ con mắc quai bị thông thường nên chỉ cần nghỉ ngơi cho uống thuốc hạ sốt là khỏi. Thế nhưng, qua 3-4 ngày, con chị vẫn sốt cao, lại kêu nhức đầu, ói mửa. Lúc này, chị mới vội đưa con đi khám thì BS cho biết con chị bệnh quai bị nhưng đã bị biến chứng viêm não. Nhưng nhờ chị đưa con đến bệnh viện sớm nên tình trạng không nặng, chỉ nằm viện vài ngày là khỏi.
Virus quai bị còn gây tổn thương nhiều cơ quan của cơ thể, nhưng bộ phận đáng lo ngại nhất là gây viêm tinh hoàn cho nam giới, hay gặp nhất ở lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành. Đặc điểm của viêm tinh hoàn thường xảy ra một bên, tỷ lệ viêm hai bên ít hơn. Anh Nguyễn Văn A. (25 tuổi, quê ở Long An) chưa lập gia đình, khi bị quai bị anh nghĩ chỉ là đau sưng ở má chạy đến tận tinh hoàn nên chủ quan, tới khi thấy tinh hoàn sưng tấy anh mới vào bệnh viện khám. BS cho nhập viện ngay vì bệnh của anh đã biến chứng, nguy cơ vô sinh rất cao. Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới thì nữ giới khi bị quai bị cũng có thể bị viêm buồng trứng, nhưng tỷ lệ rất thấp. Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sẩy thai. Còn nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Khi có triệu chứng bệnh quai bị, bệnh nhân nên đi khám BS chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, từ đây BS sẽ chỉ định điều trị, đồng thời có những tư vấn rất quan trọng, trong đó bao gồm cho bản thân người bệnh và cả bảo vệ cho người lành có nguy cơ mắc bệnh. Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa được nhờ vào vacine chủng ngừa, vacine này dùng cho bất cứ lứa tuổi nào (trên 1 tuổi) đặc biệt là thanh thiếu niên trước tuổi dậy thì. Vacine chủng ngừa này an toàn, không gây sốt, khả năng bảo vệ cao. Hơn 95% trường hợp đã tiêm chủng được miễn dịch kéo dài rất lâu, có thể suốt đời và thuốc có thể sử dụng cùng lúc với các vacine khác như sởi, sốt bại liệt… Nếu đã bị bệnh, điều trước tiên là người bệnh phải ở nhà, không đi làm, không đi học, hạn chế tiếp xúc với người thân, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. Ở trường học, khi phát hiện trẻ mắc bệnh quai bị thì cần cho nghỉ học ngay để tránh lây cho học sinh khác.
BS. Võ Minh Quang
(Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM)
Bình luận (0)