BS đang khám bệnh TCM cho trẻ tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 8-8 |
Bệnh tay chân miệng (TCM) xảy ra quanh năm nhưng cao điểm bắt đầu từ tháng 8, tháng 9. Đây cũng chính là thời điểm bắt đầu năm học mới. Theo đó, nguy cơ lây lan trong trường học là khó tránh khỏi nếu công tác phòng chống không được thực hiện tốt…
Theo số liệu từ Sở Y tế TP.HCM, hiện nay số ca mắc bệnh TCM đã tăng từ 200-220 ca/tuần lên 250-260 ca/tuần. Dự báo trong những tháng cao điểm, số ca mắc trong tuần có thể lên tới 300-350 ca. Trong 7 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố ghi nhận khoảng 5 ngàn trường hợp mắc bệnh, trong đó có 6 ca tử vong.
Virus gây bệnh ở khắp nơi
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 thì: “Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasac-kieviruses (A16) và Enterovirus (EV71) gây ra. Bệnh lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, qua đường phân – miệng”.
Điều đáng nói là mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm hai loại virus nói trên, nhưng không phải tất cả đều bị bệnh. Bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại, thường là trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Trường hợp của con anh Long (P.3, Q.10) là một ví dụ. Ngày 8-8, vợ chồng anh đưa bé Minh Hoàng (hơn 2 tuổi) đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 do bị sốt. Anh Long tỏ ra rất ngạc nhiên khi các BS ở đây cho biết con anh bị bệnh TCM. Bởi: “Cả ngày bé chỉ quanh quẩn trong nhà chơi với ông bà nội, rất hiếm khi được ra khỏi nhà để chơi với trẻ con cùng khu phố. Tôi cũng chưa nghe nói ở khu phố có trẻ bị bệnh TCM. Vì vậy, khả năng con tôi lây bệnh từ trẻ nhà hàng xóm là rất thấp”.
Cũng có thể bé Minh Hoàng không lây bệnh trực tiếp từ trẻ mắc bệnh TCM mà lây từ ông bà nội, bố mẹ… Những người có nhiều khả năng đã tiếp xúc với mầm bệnh nhưng không biết. Song sức đề kháng của người lớn cao nên không mắc bệnh, còn sức đề kháng của trẻ em như bé Minh Hoàng kém nên bị bệnh.
Nói như vậy không có nghĩa là trẻ lớn không mắc bệnh TCM. Thời gian qua, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 cho thấy có nhiều trẻ 9-10 tuổi cũng mắc bệnh TCM.
Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm
BS.CK2 Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “ Biểu hiện sớm nhất của bệnh TCM là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong 1-2 ngày bệnh sẽ phát ban là những nốt hồng ban đường kính vài milimét nổi trên nền da, sau đó trở thành bóng nước. Ở miệng thì có dạng vết loét đường kính từ 4-8mm, thường ở phía trong miệng, trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi răng làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cũng có một số trường hợp xuất hiện ở cẳng chân, đầu gối hoặc ở cánh tay. Trẻ nhũ nhi có thể có ban dạng sần vùng mông, nơi quấn tã lót. Đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như đau họng, hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, nôn ói, tiêu chảy. Ở một số ít trường hợp trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mơ sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị nhưng những rối loạn thần kinh vẫn kéo dài…”.
Trẻ mắc bệnh TCM thường khỏi trong vòng một tuần nếu được điều trị đúng cách và không có biến chứng. Những bóng nước nếu không bị nhiễm trùng, sau khi lặn đều không để lại sẹo. Phần lớn trẻ mắc bệnh TCM đều được chăm sóc tại nhà bằng cách: Cho trẻ súc miệng mỗi ngày; tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày; cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, loãng như cháo, súp, sữa. Cho uống nhiều nước (nước sôi để nguội, nước trái cây). Lưu ý, không cần kiêng cữ gió và ánh sáng. Tuyệt đối không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
“Khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao, nhức đầu, nôn ói nhiều, lơ mơ, giật mình chới với, co giật, mệt nhiều cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời”, BS.CK2 Kim Thoa khuyến cáo. Qua kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM, hầu hết những trường hợp mắc bệnh TCM có biến chứng nặng, hoặc tử vong là nhiễm virus EV71. Nếu mắc bệnh do virus A16 gây ra thì thường nhẹ.
Nói về cách phòng ngừa bệnh TCM, BS. Khanh khẳng định: “Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh TCM. Cách phòng ngừa tốt nhất là vệ sinh ăn uống, giữ sạch các vật dụng, đồ chơi của trẻ. Đặc biệt là phải rửa tay dưới vòi nước sạch trước khi ăn và sau khi đi tiêu”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)