Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ, TC sư phạm năm 2019, trong đó đề nghị chú trọng khâu vận chuyển, bảo quản đề thi cũng như đảm bảo an toàn cho cán bộ của các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi tại địa phương.
Thí sinh TP.HCM nghe phổ biến quy chế thi THPT quốc gia năm trước
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm nay.
Trong công văn lần này, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh quán triệt thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, chính quyền các cấp phối hợp với sở GD-ĐT chuẩn bị, tổ chức kỳ thi. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ quy chế thi và tuyển sinh; lưu ý một số điểm mới trong tổ chức thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, TC sư phạm. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2018-2019, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai phương án nhằm đảm bảo tổ chức thi và tuyển sinh an toàn, trung thực, khách quan; có kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ để thí sinh đăng ký xét tuyển thuận lợi; có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường. Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức thi, kể cả kinh phí cho cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ được bộ điều động về địa phương tham gia tổ chức thi, coi thi, chấm thi.
Chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp tổ chức thi đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả; chỉ đạo sở GD-ĐT địa phương phối hợp chặt chẽ với các trường ĐH, CĐ được điều động tham gia tổ chức thi chuẩn bị chu đáo và triển khai tổ chức tốt cụm thi ở tỉnh. Bố trí điểm thi hợp lý, đảm bảo nghiêm túc, an toàn và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Tập huấn đầy đủ nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi và quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm do các trường ĐH chủ trì thực hiện tại địa phương.
Chỉ đạo các sở ban, ngành, đoàn thể có liên quan và chính quyền các cấp phối hợp, hỗ trợ tổ chức kỳ thi. Trong đó, chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi và đảm bảo an toàn cho cán bộ của các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi tại địa phương. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc; cung cấp điện, nước ổn định; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại tất cả các địa điểm thi trong những ngày tổ chức thi; bố trí nơi ăn nghỉ hợp lý cho thí sinh và người thân của những em ở xa về dự thi theo hướng tăng cường huy động chỗ nghỉ trọ trong khu dân cư, chỗ trọ giá rẻ hoặc miễn phí. Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại tỉnh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có hơn 886 ngàn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 653 ngàn thí sinh đăng ký lấy kết quả để xét tuyển ĐH. Cụ thể, bài thi tổ hợp khoa học xã hội có hơn 468 ngàn thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 52,83% tổng số thí sinh), bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên có gần 302 ngàn thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 34,07% tổng số thí sinh); hơn 27 ngàn thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp. Hà Nội có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm hơn 74 ngàn em, tiếp đến là TP.HCM gần 71 ngàn thí sinh.
Thục Trân
Bình luận (0)