Không nên lạm dụng thuốc an thần khi bị mất ngủ. Ảnh: T.L |
Giới trẻ hiện nay nhiều khi do sức ép của công việc và vấn đề mưu sinh nên sức khỏe, tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến mất ngủ… Vì thế, họ thường tìm đến các loại thuốc an thần mong tìm được cảm giác bình yên. Tuy nhiên, theo TS.DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM) thì đây là nhóm thuốc mà khi sử dụng phải có sự chỉ định của BS, nếu lạm dụng nó sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Nhiều lý do tìm đến thuốc an thần
Tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật, sau hai năm cố gắng, anh Nguyễn Thành Thi (25 tuổi) cũng tìm được việc làm ở TP.HCM. Tuy nhiên, thu nhập không đủ chi tiêu, lại thêm vợ mới sinh con nhỏ, em trai bị tai nạn giao thông, anh phải làm thêm nhiều việc khác. Mệt mỏi, áp lực lớn, anh bị mất ngủ thường xuyên, nhiều hôm thức trắng đêm. Đến công ty, anh như người mất hồn, cứ để xảy ra sự cố, bị sếp nhắc nhở, sợ mất việc nên về nhà cứ 10-11 giờ đêm là anh uống một viên thuốc an thần để tìm giấc ngủ. Lúc đầu, thuốc có tác dụng. Sau quen thuốc, anh lại ngủ ít. Bây giờ, anh có dùng thuốc cũng không ngủ được, đầu óc càng căng thẳng hơn. Trường hợp của cô N.K.K, giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình đến nhờ BS tư vấn vì dùng nhiều thuốc an thần nhưng vẫn không ngủ được. Cô lấy chồng đã ba năm mà vẫn chưa sinh con. Gia đình bên chồng cô luôn gây áp lực vì chồng cô là con một. Cả hai vợ chồng cô nhiều lần đi khám BS, kết quả bình thường, thế mà vẫn không mang thai. Cô lo sợ một ngày sẽ mất chồng nên tinh thần hoảng loạn. Theo TS.DS Nguyễn Hữu Đức thì: “Việc lạm dụng thuốc an thần để gây ngủ dẫn đến những giấc ngủ “cưỡng ép”. Từ đó, các vấn đề về thần kinh – tâm thần sẽ xuất hiện. Thuốc an thần là tên gọi chung cho các nhóm thuốc dùng để trấn an, điều hòa về tinh thần gồm nhóm thuốc an thần gây ngủ, thuốc chống lo lắng và một số thuốc chống trầm cảm… Cơ chế của thuốc an thần là thúc đẩy hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh, từ đó kích thích tăng tiết hormone dopamin tạo ra cảm giác dễ chịu, khoan khoái cho cơ thể để tạm thời không nhớ đến các cảm giác đau nhức, mệt mỏi, căng thẳng… Thuốc gây ngủ rất nguy hiểm đối với những người mắc các chứng bệnh tâm thần, hô hấp hay tim mạch bởi nó có thể ức chế trung tâm hô hấp… Lạm dụng thuốc an thần gây ngủ quá lâu sẽ dẫn đến chứng trầm cảm, hoang tưởng, ngoài ra còn gây hại thai, gây dị dạng cho thai nhi…”.
Nên dùng theo sự chỉ định của BS
Khi có dấu hiệu mất ngủ liên tục, tốt nhất người bệnh nên đến khám các BS chuyên khoa tâm thần hoặc thần kinh để được điều trị hiệu quả, bởi đa số các thuốc an thần được quản lý chặt và chỉ bán theo kê đơn của BS.
Những thuốc được ưa chuộng trong nhóm thuốc an thần như valium (một biệt dược của diazepam, giống như seduxen) và xanax (tên khoa học là alprazolam, là một loại thuốc an thần rất mạnh thường được dùng trong những trường hợp mất ngủ nặng) đã bị lạm dụng khá nhiều và gây ra những hậu quả xấu. Loại thuốc an thần mimosa vừa bị Sở Y tế Hà Nội yêu cầu thu hồi vì không đạt chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng alcaloid toàn phần.
Điều quan trọng là mỗi người cần sống vui, sống khỏe, giảm áp lực công việc. Nên hạn chế dùng thuốc an thần mà linh động mượn một số món ăn để xả stress, tránh mất ngủ như chuối, chà là, sữa chua để tráng miệng sau bữa cơm chiều vì đó là nguồn cung ứng tryptophan, chất đòn bẩy cho giấc ngủ; ăn cá thu, cá saba, cá hồi, cá mòi để cung cấp sinh tố B6 cho cơ thể, hoạt chất cần thiết cho chất lượng của giấc ngủ. Mặt khác, nên tránh các món khiến não phải làm việc ngoài giờ như: Bơ, các món chiên mỡ nổi, thịt xông khói, bánh kem; không nên uống cà phê cũng như các loại nước uống có cafein và uống mà không ăn sau 20 giờ.
Thu Hiền
Bình luận (0)