Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Phụ nữ có thai lưu ý khi dùng thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với phụ nữ có thai, cần lưu ý rằng thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu của thai kỳ.
Thời gian từ khi thụ thai đến khi đứa trẻ được sinh ra được gọi là thời kỳ bào thai. Thời kỳ này chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn phát triển phôi thai: gồm 3 tháng đầu của kỳ thai, dành cho sự tượng hình và biệt hóa các bộ phận của bào thai, bào thai chưa có hình dạng đầy đủ.
Giai đoạn phát triển nhau thai: bắt đầu từ tháng thứ 4 trở đi cho đến khi sinh, trong giai đoạn sau này bào thai đã hình thành và chỉ còn việc phát triển, tăng trưởng.
Do đó, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu dùng thuốc có tác dụng cản trở sự tượng hình và biệt hóa (thí dụ như một số thuốc an thần, một số thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc chống ung thư…) có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh. Về dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào: tim, mạch, đầu mặt, bộ phận tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa, xương cơ, các chi… Vào năm 1962, hàng ngàn phụ nữ châu Âu sinh ra quái thai cụt chi giống như hải báo (phocomelia) do đã uống thuốc an thần thalidomide trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ.
Từ tháng thứ tư trở đi tức là bào thai đã tượng hình, một số thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến các chức năng của các cơ quan sau này của trẻ do có độc tính đối với các mô đang phát triển của bào thai. Thí dụ như thuốc kháng sinh tetracylin gây ảnh hưởng xấu đến mô xương và răng, thuốc kháng sinh thuộc họ aminosid như streptomycin gây độc tính với cơ quan thính giác và thận.
Ngay trước khi trở dạ, một số thuốc vẫn có thể tác động đến thai nhi như: morphin, reserpin…
Như vậy, ta thấy tốt nhất là không nên dùng thuốc đối với PNCT. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phải dùng thuốc, nếu không dùng thuốc chữa bệnh cho thai phụ thì sẽ nguy hiểm cho thai nhi. Đó là trường hợp thai phụ bị các bệnh như: đái tháo đường, động kinh, một số bệnh nhiễm khuẩn. Trường hợp này bắt buộc phải dùng thuốc chữa bệnh, thậm chí nếu không chữa bệnh có sinh quái thai. Trường hợp phụ nữ có thai bị cao huyết áp, bị suyễn cũng thế, sự ngưng điều trị là sai lầm lớn.
Về độ an toàn của thuốc dùng cho PNCT, ở Mỹ có đưa ra hệ thống phân loại thuốc có 5 mức A, B, C, D và X. A là thuốc thuộc loại an toàn cho PNCT, nếu thuốc được ghi loại A có nghĩa thuốc dùng được cho PNCT (thí dụ như acid folic hoặc vitamin B6). X là thuốc có hại, tuyệt đối không dùng (tức chống chỉ định) cho PNCT (thí dụ như thuốc trị ung thư). Giữa A và X có 3 loại B, C, D là các thuốc có thể chỉ định cho PNCT trong trường hợp cần thiết và phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây hại. Thuốc loại B an toàn hơn C, D nghĩa là thuốc loại C bắt buộc dùng phải cân nhắc kỹ hơn thuốc loại B và nếu là thuốc loại D thì tốt nhất là không nên dùng (bởi vì kế cận với mức X). Để dễ hình dung, xin đơn cử thuốc trị tăng huyết áp (THA) cho PNCT. Đối với PNCT, thuốc trị THA từ lâu thường được dùng là methyldopa. Theo hệ thống phân loại 5 mức kể trên, methyldopa thuộc loại B. Nghĩa là, methyldopa thuộc loại tương đối an toàn cho PNCT, dùng thuốc loại này đương nhiên cũng có sự cân nhắc của nhà điều trị nhưng không phải đòi hỏi mức độ cảnh giác như thuộc loại C, D. Các thuốc sau đây có thể dùng cho PNCT thay thế cho methyldopa trong trường hợp không dùng được methyldopa và nhà điều trị phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây hại: hydralazin (tùy theo tài liệu, được phân loại B hoặc loại C), nifedipin (được phân loại C, nhà sản xuất Adalat – biệt dược của nifedipin có ghi “chống chỉ định với PNCT” nhưng khi thật cần thiết bác sĩ vẫn có thể cho dùng).
Đối với phụ nữ có thai, xin đặc biệt lưu ý mấy điều sau:
Nếu có thể, tuyệt đối tránh dùng mọi thứ thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Có nhà y học cẩn thận hơn, khuyên thêm rằng: nếu có thể, trong phân nửa cuối của chu kỳ kinh nguyệt (tức là từ lúc rụng trứng cho đến khi có kinh) tránh dùng mọi thứ thuốc ở bất kỳ phụ nữ nào còn trong tuổi hoạt động sinh dục có khả năng thụ thai. Bởi vì có nhiều thứ thuốc có tính tích lũy, đào thải rất chậm ra khỏi cơ thể, khi uống lúc chưa thụ thai nhưng đến khi thụ thai thì thuốc còn giữ lại trong cơ thể người mẹ gây ảnh hưởng xấu cho thai.
Nếu cần thiết phải dùng thuốc để chữa bệnh, đặc biệt có những bệnh như trình bày ở trên cần phải dùng thuốc để chữa trị kịp thời, thì tốt nhất là đến khám ở bác sĩ để bác sĩ chỉ định thuốc. Khi đó, bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích sức khỏe của bà mẹ và mức ảnh hưởng đến bào thai để chọn những thuốc hiện diện trên thương trường nhiều năm được công nhận là an toàn đối với thai phụ và cho dùng liều thấp nhất có hiệu lực.
Phụ nữ có thai không được tự ý dùng thuốc, mà chỉ nên dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ. Đối với bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ trong lựa chọn thuốc và chỉ định thuốc dựa trên y học có chứng cứ (evidence-based medicine) tức là đã được chứng minh an toàn hoặc vì lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ có hại đối với phụ nữ có thai.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
www.suckhoedoisong.vn

Bình luận (0)