BS đang khám cho một bệnh nhân NR. Ảnh: T.L |
Niềng răng (NR) là một trong những chuyên ngành của nha khoa, nhằm chẩn đoán, ngăn ngừa và điều trị các lệch lạc về răng, hàm. Đối với nhiều người, NR được coi như là cứu cánh để tìm lại cho mình nụ cười xinh và hàm răng đẹp.
Tuy nhiên, theo BS. Bùi Đăng Quốc Thái (Khoa Chỉnh hình răng mặt – Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW) thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chỉnh hình răng mặt (NR) lần đầu tiên khi trẻ mọc răng vĩnh viễn (6 tuổi). NR từ bé để có kết quả tốt nhất. Khi trẻ bắt đầu thay răng sữa sang răng vĩnh viễn, nên cho bé đi khám. BS có thể mang khí cụ để loại bỏ những lệch lạc cần can thiệp sớm. NR khi răng vĩnh viễn đã mọc hoàn chỉnh là tốt nhất vì giai đoạn này, răng còn dễ di chuyển trong xương. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn thực hiện được phương pháp này. Phụ nữ có thai không nên NR vì lúc này, nội tiết tố thay đổi nên nướu dễ bị viêm, dẫn đến vệ sinh răng miệng khó hơn.
Muôn nẻo nụ cười xinh
Biệt danh “chicaho” đã làm chị Nguyễn Thu Quế (trú tại phường 3, Q.5, TP.HCM) mất ăn mất ngủ từ thời sinh viên. Được thừa hưởng hàm răng khấp khểnh từ mẹ nhưng đó lại là điều mà chị cảm thấy tự ti nhất. 33 tuổi, chị vẫn quyết định đi đại tu răng để tìm lại một “góc con người”. Cũng như chị Quế, chị Trần Thu Hương (23 tuổi, nhân viên ngân hàng) cảm thấy không có chút tự tin nào khi đứng trước khách hàng với hàm răng hô vô duyên của mình. Việc sử dụng liệu pháp chỉnh hình răng mặt là giải pháp mà cả hai chị đều tìm đến để mong “tút lại hàm răng xinh”, lấy lại tự tin trong cuộc sống.
Không chỉ với người trưởng thành mới rắc rối trong vấn đề răng miệng mà đối với con trẻ cũng khiến không ít phụ huynh dở khóc dở cười. Anh Nguyễn Đình Mạnh (ngụ tại phường 2, Q.10, TP.HCM) đã phải tức tốc đưa bé Nguyễn Lan Anh (8 tuổi) đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW khám và tiến hành NR khi con nhất định không chịu đi học vì bị bạn bè gọi là “ăn đu đủ không cần thìa”.
Theo BS. Quốc Thái, đa phần bệnh nhân sử dụng biện pháp NR trước hết vì yếu tố thẩm mỹ, ngay cả những người không hề có bệnh về răng. Còn với người lệch lạc về răng và hàm thì NR giúp phòng ngừa, điều trị để có được nụ cười đẹp, đảm bảo sức khỏe răng miệng. Một hàm răng đẹp là một hàm răng khỏe, phải đảm bảo về khoảng cách các răng, răng mọc ngay ngắn, thực hiện tốt chức năng nhai.
Giữ răng miệng luôn sạch sẽ
Có hai loại khí cụ dùng trong NR: Khí cụ tháo lắp và khí cụ cố định. Đối với khí cụ tháo lắp, người sử dụng có thể tháo ra và vệ sinh được dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người sử dụng vì quá khó chịu đã tháo ra luôn. Còn đối với khí cụ cố định thường cản trở vệ sinh răng miệng nếu người sử dụng không thực sự kiên trì. Vì vậy, để có được nụ cười đẹp cần phải có sự hợp tác tốt với BS từ phía bệnh nhân. Bởi trong thời gian đầu tiến hành NR, thường xuất hiện tình trạng khó chịu trong sinh hoạt, ăn uống, giao tiếp và đau, ê buốt răng, sâu răng, viêm nướu…
Trên một số diễn đàn mạng, nhiều bạn trẻ cho rằng NR không chỉ mang lại nụ cười đẹp mà còn thể hiện đẳng cấp của mình. Bởi một ca NR kéo dài từ 1-3 năm, tùy theo tình trạng sức khỏe răng miệng của mỗi người, thường rất tốn kém, từ 10-15 triệu đồng.
Lan Phương (sinh viên năm 2, Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết các bạn cô đua nhau đi NR, coi đó như một cách để tạo nên đẳng cấp. Trong số đó, có bạn dù tiền mất nhưng nụ cười vẫn không “thực sự tỏa sáng”.
Chính vì vậy, BS. Quốc Thái cho rằng, khi NR, để thành công thì yếu tố lớn nhất đó là sự kiên trì tin tưởng và sức khỏe của bệnh nhân. Bởi lẽ rất nhiều bệnh nhân đã không những không đạt được nụ cười như ý mà còn gặp rắc rối về răng miệng do không mang khí cụ đủ thời gian, không tái khám đúng hẹn hoặc bỏ hẹn khám quá lâu, thường xuyên làm gãy khí cụ và đặc biệt là vệ sinh răng miệng kém. Người NR nên chú ý ăn các thức ăn lỏng, hoặc thức ăn nên được cắt nhỏ ra, tránh những đồ ăn dai cứng cho đến khi thích nghi được với khí cụ. Luôn luôn phải mang khí cụ cẩn thận và giữ răng miệng sạch sẽ.
Đỗ Yến hoa
Bình luận (0)