Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cách nào chữa nấc cụt?

Tạp Chí Giáo Dục

Người bị NC bệnh lý cần phải được điều trị sớm. Ảnh: T.L

Nấc cụt (NC) là một triệu chứng thường gặp. Nó tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nhiều khi làm cho người bị mắc rất bực mình. Tuy nhiên, nếu NC kéo dài, có chu kỳ do bệnh lý thì cần phải đến BS điều trị.
Theo BS. Nguyễn Lê Thục Đoan (Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM) thì: “NC là sự co thắt đột ngột, không tự ý của cơ hoành, tống khí ra khỏi buồng phổi, luồng khí khi đi ngang qua dây thanh âm tạo thành tiếng NC. Nó đến rất bất ngờ và gần như không bao giờ có sự chuẩn bị trước”.
Nguyên nhân NC
Anh Lê Dũng (quận 5 – TP.HCM cho biết: “Thời gian gần đây, tôi hay bị NC và kéo dài nhiều ngày. Mỗi lần bị như vậy phải mất đến hơn 4 tiếng đồng hồ mới hết. Cả khi ngủ buổi tối cũng NC khiến tôi bị mất ngủ. Tôi đã thử dùng mọi cách để chữa NC nhưng không có kết quả gì cả”. Tương tự, chị Thu Mai (quận Thủ Đức – TP.HCM) cũng bị NC liên tục 2 ngày nay. Chị than thở: “Tháng trước tôi cũng bị NC như thế liên tục cả ngày, nhưng tự nhiên sau đó lại hết nên tôi không để ý. Lần này tôi chịu hết nổi, NC đến nỗi ê ẩm cả cơ bụng, rêm rát cuống thực quản”. BS. Thục Đoan giải thích: “NC thường có nhiều nguyên nhân, nhưng đa số là do rối loạn đường tiêu hóa như ăn nuốt quá nhanh, ăn thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, uống nhiều nước có gas, nuốt quá nhiều không khí vào bao tử. Hoặc do một số nguyên nhân khác như các biến chứng phẫu thuật, nhiễm trùng não… Ở trẻ em, NC hầu hết là do bé bú quá no làm căng dãn gây rối loạn vận động co thắt của cơ hoành. Nếu trường hợp trẻ NC bệnh lý có thể là do trào ngược dạ dày – thực quản, viêm phổi hay bị phản ứng thuốc”. NC tạm thời có thể sẽ tự hết hoặc người bệnh cần chú ý và điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình. Hoặc có thể chữa hết bằng các mẹo như: Cố gắng tập trung tư tưởng vào một việc gì đấy; hít thật sâu và nín thở thật lâu, nuốt hơi liên tục nhiều lần trong lúc đang nín thở, mục đích để kéo dãn cơ hoành, tạo lại hoạt động bình thường cho cơ hoành; nuốt một muỗng cà phê đường đối với người lớn. Còn với trẻ em có thể cho uống nửa muỗng cà phê đường pha vào 120ml nước.
Riêng với trường hợp của anh Lê Dũng và chị Thu Mai, có thể là NC do có bệnh lý. Vì vậy, họ cần đến BS nội khoa khám tổng quát và làm một số xét nghiệm cần thiết để có thể tìm được nguyên nhân NC. Nếu NC xảy ra liên tục kéo dài, có kèm theo một số triệu chứng như nuốt khó, giảm cân… thì có thể là một trong các dấu hiệu nghi ngờ của ung thư thực quản. Nhưng khả năng này cũng rất ít xảy ra. Bệnh nhân nên đến BS chuyên về ung bướu để được khám và chẩn đoán chính xác.
Một số món ăn – bài  thuốc trị NC
Theo lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM), có một số bài thuốc nam dùng cho những người hay bị nấc kéo dài rất hiệu quả như đảng sâm 50g, trần bì (vỏ quít), thị đế (tai quả hồng), đổ một bát nước vào ba thứ này rồi sắc cạn còn 1/3, uống một lần khi còn ấm, ngày uống 2-3 lần sẽ hết chứng nấc.Hoặc gừng tươi 2 lát mỏng, giã nhỏ, đun nhỏ lửa với 200ml nước, để nguội, lọc nước bỏ bã. Đường trắng 1 thìa cà phê cho vào quấy đều. Bệnh nhân vừa uống vừa đếm đến 9, dùng 1-2 lần/ngày. Bệnh nhân cũng có thể dùng vải chín 10 quả, bóc cùi, cho vào cốc với 1 thìa cà phê mật ong, hấp cách thủy. Khi cùi vải chín thì ép lấy nước. Bệnh nhân ăn cùi vải trước, sau đó uống nước 2 lần/ngày. Món cháo nho cũng rất tiện dụng trị NC. Nho chín 100g, gạo 100g, sữa bò tươi 50ml, mật ong 1 thìa. Gạo xay thành bột, nho quả rửa sạch, giã dập đun với 200ml nước, chắt nước bỏ bã. Cho bột gạo, sữa bò tươi, mật ong vào nước nho, quấy đều, đun nhỏ lửa cho đến khi cháo chín. Bệnh nhân ăn một lần/ngày lúc đói, dùng trong 2 ngày.
Phụng Diễm

Bình luận (0)