Nên để thuốc uống xa tầm với của trẻ. Ảnh: T.Lê |
Khoảng một tháng trở lại đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị ngộ độc thuốc. Theo khuyến cáo của các bác sĩ (BS), ngộ độc thuốc nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong…
Uống thuốc của người lớn, trẻ nhập viện
Đầu tháng 9 vừa qua, Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bé gái L.N.Q.N – gần 7 tháng tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM. Được biết, bé N. được bà ngoại cho uống 1/2 viên thuốc clozapyl 100mg, 1 viên intasprol 500mg. Đây là thuốc của người dì điều trị bệnh tâm thần. Sau 2 giờ, N. có biểu hiện lơ mơ, bỏ bú, thở mệt nên người nhà đưa đến BV…
Trước đó, trong hai ngày 14 và 15-8, Khoa Nội tổng hợp, BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận 2 bé do uống nhầm thuốc an thần. Đó là N.T.T – hơn 3 tuổi, nhập viện vì ngộ độc carbamazepine. Được biết, ở nhà ông nội của bé đang điều trị bằng thuốc này, do vô tình làm rơi một viên nên bé nhặt được và cho luôn vào miệng… Khi nhập viện, bé có các biểu hiện: Nôn ói, quấy khóc nhiều, ngồi không vững. Bé thứ hai là P.U.N – gần 3 tuổi, nhà ở Lâm Đồng nhập viện vì ngộ độc phenolbarbital. Theo lời kể của người nhà, mẹ bé đang điều trị động kinh với loại thuốc này. Do thấy có bịch thuốc để trên giường nên bé tự lấy uống. Khoảng 3 giờ sau, bé ngủ li bì, người nhà lay gọi không được nên đưa đến BV Lâm Đồng II với tình trạng hôn mê sâu. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi đồng 2.
BS. Lê Thị Thùy Linh, Khoa Nội tổng hợp, BV Nhi đồng 2 khuyến cáo: “Đề phòng ngộ độc thuốc ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần: Để thuốc xa khỏi tầm với của trẻ, đựng thuốc trong các lọ có nắp đậy kín. Đặc biệt, cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho trẻ em, phải có chỉ dẫn rõ ràng của BS. Khi trẻ uống nhầm thuốc hoặc khi trẻ có các biểu hiện bất thường, phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời”.
Nhập viện vì tự ý mua thuốc uống
Tuần qua, Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhân nữ P.H.P.U -11 tuổi, Q.3, TP.HCM trong tình trạng lừ đừ, chóng mặt, mệt, tay chân lạnh. Trước đó khoảng 2 giờ, em tự mua thuốc uống gồm một viên kháng sinh cefadroxil 500mg và thuốc ho dược thảo vì bị cảm ho. Sau khi uống 30 phút, em bị nổi mề đay rải rác toàn thân, ngứa, sưng phù mặt, than mệt, ói, co gồng người… Thấy vậy, gia đình vội đưa em tới BV Nhi đồng 1. Các BS chẩn đoán em bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc… Sau 12 giờ điều trị, tình trạng của em cải thiện dần, hết khó thở, mạch huyết áp ổn định.
“Qua trường hợp này, chúng tôi xin lưu ý đến quí phụ huynh là khi trẻ bệnh không nên tự mua thuốc điều trị mà cần đưa trẻ đi khám bệnh. Gia đình nên cung cấp thông tin cho BS về tình trạng dị ứng, nhất là dị ứng thuốc của trẻ để BS biết chọn lựa thuốc thích hợp”, BS. Nguyễn Minh Tiến – BV Nhi đồng 1 khuyến cáo.
Trước đó, bé N.Q.K – 4 tuổi, ngụ ở Phú Quốc nhập viện BV Nhi đồng 2 do ngộ độc chì. Theo lời kể của gia đình, liên tục trong 2 năm qua, bé được cha mẹ cho uống thuốc cam để trị viêm mũi họng. Thấy con mình chậm chạp hơn trẻ cùng tuổi nên cha mẹ cho bé đi thử máu kiểm tra ngộ độc chì. Kết quả nồng độ chì trong máu bé cao nên cha mẹ đưa vào BV Nhi đồng 2 điều trị. Các xét nghiệm cho thấy bé bị ngộ độc chì mức độ nhẹ, thiếu máu và có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ mức độ trung bình.
“Chì làm tổn thương xương, tủy xương, cơ quan sinh dục nặng nề, đặc biệt gây tổn thương não và thận vĩnh viễn. Vì vậy, không nên cho trẻ ngậm đồ chơi có chì như ruột viết chì, mỹ phẩm và không dùng thuốc cam có chì. Khi không may đã nhiễm độc chì thì nhanh chóng đưa đến BV để được điều trị thải chì”, BS. Phạm Thị Minh Rạng, BV Nhi đồng 2 cho biết.
Kim Anh
Bình luận (0)