Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ

Tạp Chí Giáo Dục

BS siêu âm và phát hiện bệnh nhân này bị GNM. Ảnh: T.HIỀN 

Do đời sống kinh tế ngày càng phát triển, không ít người có thói quen ăn nhiều nhưng lại vận động ít. Chính vì thế mà tỉ lệ người bị gan nhiễm mỡ (GNM) liên tục tăng cao, độ tuổi mắc bệnh này ngày càng trẻ dần.
Nếu không điều trị, 50% số người bệnh GNM sẽ bị xơ hóa, trong số này 15% sẽ tiến triển đến xơ gan và 4% sẽ bị ung thư gan.
“Sát thủ” thầm lặng
Anh Lê Minh Trí (quận 5 – TP.HCM) năm nay 29 tuổi, không hút thuốc, nhưng thường xuyên nhậu nhẹt với bạn bè. Vừa qua đi khám tổng quát, gan của anh đã bị nhiễm mỡ. Sau khi được chúng tôi giải thích, tư vấn về việc điều trị, chế độ ăn uống, anh đã cảm thấy yên tâm hơn. Tương tự, chị Anh Thư (30 tuổi, Long An) nhân cơ hội đi nuôi người thân ở bệnh viện, chị đã làm siêu âm và phát hiện mình bị GNM nên rất lo lắng, suy sụp tinh thần.
GNM là tình trạng gan bị mỡ hóa do nhiều nguyên nhân gây ra, phổ biến là lạm dụng rượu, béo phì, cũng có thể do thuốc, bệnh tiểu đường tuýp 2, virus viêm gan tấn công hay những nguồn lây nhiễm khác.Người bị GNM đa phần đều không có triệu chứng bởi tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm thấy. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, lúc đó gan có thể lớn, bao gan căng ra và khi đó bệnh nhân có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan. Trong một số trường hợp (dù rất hiếm), GNM cũng có thể gây tình trạng vàng da, buồn nôn và nôn. Hiện nay,các phương tiện chẩn đoán hình ảnh ngày càng tốt hơn (siêu âm, CT scan…) và việc xét nghiệm máu (cholesterol, triglyceride máu, các men gan) đủ để phát hiện cơ thể có bị GNM hay không. Để phòng ngừa bệnh này, nên giảm uống bia rượu, năng tập thể dục, tránh béo phì, tránh một số thuốc có hại độc cho gan (nếu buộc phải dùng, nên hỏi BS để cân nhắc giữa cái lợi và hại của thuốc).
Những dinh dưỡng cần thiết
Ngoài việc ngưng uống hoàn toàn rượu bia thì người mắc bệnh GNM do béo phì cần giảm ăn các chất ngọt và chất béo. Vì các chất này khi thừa sẽ chuyển đổi thành mỡ dự trữ. Ngoài ra, cần hạn chế các loại thức ăn nhanh có chế biến nhiều mỡ, các món chiên xào, lạp xưởng, xúc xích. Tránh ăn các loại thức ăn chế biến từ gan, óc, cật, bộ đồ lòng của gia súc hoặc từ sữa động vật như bơ, phô mai và da các loại thịt heo, vịt, gà. Cần hạn chế các đồ ngọt như bánh, kẹo, mật đường, mía, các loại nước ngọt… Tốt nhất nên uống nước lọc, nước khoáng hoặc nước trà vì những loại nước này không cung cấp thêm năng lượng.
Giảm cân cũng là một biện pháp tốt để cải thiện GNM. Người mắc bệnh GNM cần ăn các loại thức ăn có ít năng lượng. Nên ăn nhiều rau, trái cây (mỗi ngày, mỗi người ăn tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi).
Một số món ăn cụ thể như sau: Ngô (chứa nhiều acid béo không no, có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa của chất béo nói chung và cholesterol nói riêng); nấm hương (chứa những chất có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu và tế bào gan. Thường dùng dưới dạng thực phẩm để chế biến các món ăn); lá trà (có khả năng giảm trừ các chất bổ béo. Trà có khả năng làm tăng tính đàn hồi thành mạch, giảm cholesterol máu và phòng chống sự tích tụ mỡ trong gan); rau cần (chứa nhiều vitamin, tác dụng mát gan, hạ cholesterol trong máu, thúc đẩy quá trình bài tiết các chất phế thải và làm sạch huyết dịch. Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh cần vận động nhằm giảm cân hiệu quả hơn bằng cách đi bộ, chạy bộ, bơi lội, thể dục thẩm mỹ… để tiêu bớt lượng mỡ thừa.
TS.BS Lê Thành Lý
(Khoa Nội tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy)

Bình luận (0)