Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Rau sạch mà có… sạch?

Tạp Chí Giáo Dục

Người tiêu dùng phải tự kiểm định khi mua rau cho bữa ăn hàng ngày

Trong danh mục thực phẩm, rau xanh được coi là thành phần quan trọng, không thể thiếu đối với bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, quan sát tại các siêu thị và chợ lớn nhỏ, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng khá e dè khi chọn lựa rau…
Khái niệm rau sạch
Tần ngần hơn nửa tiếng đồng hồ tại khu vực rau xanh trong Siêu thị Co.op Mart (chi nhánh đường Hòa Bình, Q.Tân Phú), chị Thúy (29 tuổi, nhân viên Đầm Sen) mới mua được bó rau muống đã đóng gói. Cho chúng tôi xem phần tem nhãn mác chỉ ghi đơn vị sản xuất và khối lượng tịnh, chị cho biết: “Không có gì để chứng minh rau ở đây sạch hay không vì có lần ăn xong tôi bị… đau bụng”. Dù vậy, chị tự tin: “Chắc siêu thị có kiểm chứng ít nhiều trước khi bày bán cho người dân!”. Đồng quan điểm với chị Thúy, đa số các bà nội trợ đều tin rằng so với rau ở chợ thì nguồn rau trong siêu thị được xem là… sạch nên cảm thấy an tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về khâu kiểm duyệt, nhiều nhân viên siêu thị lại lắc đầu, không chắc chắn lắm về khâu này bởi “mua từ khách hàng… tin cậy rồi về cân, đóng gói, dán tên đơn vị sản xuất, khối lượng chứ không thấy ai kiểm định dư lượng hóa chất hay chứng minh rau đó có… giun không” – một nhân viên siêu thị Maximark đường 3/2 cho biết.
Trong khi đó, ở các chợ lớn nhỏ, phần lớn nguồn rau chủ yếu mua bán “xô” nên không được đóng gói và ghi chú nhãn mác, nơi sản xuất. Tại chợ Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú), chị Phương, chủ một sạp rau củ cho biết: “Tôi mua rau ở chợ đầu mối Tam Bình – Thủ Đức về bán, không ai nói về nơi sản xuất nên cũng không biết có sạch không. Mà tôi cũng không biết rau như thế nào thì gọi là sạch? Quan trọng là người mua biết xử lý”. Điều kỳ lạ là qua quan sát tại các chợ, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng “quay lưng” với những sạp rau bắt mắt, nhìn cọng rau xanh mướt, bóng bẩy nhưng lại tìm đến những sạp mà rau có mức hư hại, lá bị sâu ăn hay thân cây cằn, nhỏ.
Thực tế, khái niệm rau sạch còn khá mơ hồ bởi không phải cứ rau có ghi nguồn gốc sản xuất, được đóng bao bì cẩn thận hay không bị sâu ăn, nhìn bóng bẩy là… sạch, khi mà tất cả nguồn rau trên thị trường đều không có nhãn mác kiểm định chất lượng về độc tố, thuốc trừ sâu, phân bón, chất tăng trưởng… Trong khi đó, rau được xem là mặt hàng thực phẩm có tỷ lệ nhiễm khuẩn, giun hay các loại ấu trùng bám cao nhất, như BS. Lê Kim Huệ (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho hay: “Rất khó phân biệt rau sạch và rau không sạch mà chỉ nhận biết được khi đến tận vùng canh tác rau. Bởi lẽ, nhiều khi dù là rau không sạch thì người bán cũng đã “hô biến” thành rau sạch đẹp rồi”.
Người tiêu dùng tự… xoay
BS. Huệ nói : “Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu rau củ quả và trái cây của người trưởng thành khoảng 300-400g/ngày, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy người Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 1/2 nhu cầu rau, củ, trái cây theo khuyến nghị này. Do đó, chúng ta cần bổ sung nhiều rau củ trong các bữa ăn hơn nữa”. Như vậy, trong danh mục thực phẩm, rau vẫn là mặt hàng thiết yếu hàng đầu nên dù không nắm bắt được độ an toàn của nguồn rau trên thị trường, người tiêu dùng vẫn phải “nhắm mắt làm ngơ”, tự thân xoay xở trong việc kiểm định. Sự tự xoay xở thường thấy nhất là mua rau theo kinh nghiệm truyền thống. Chị Thảo (Công ty Gia Trung Hòa, Q.Bình Thạnh) nói vui: “Đi chợ mua rau mà thấy trong rau có con… sâu hay lá bị cuốn lại do chứa ấu trùng của sâu là mừng lắm, vì biết rau đó không sử dụng thuốc trừ sâu”. Theo chị Thảo, trong tình hình rau sạch mà… không sạch này thì điều quan trọng nhất của người tiêu dùng khi sử dụng rau xanh chính là khâu xử lý, chế biến, tốt nhất nên nấu chín trước khi ăn. BS. Huệ cũng chỉ dẫn: “Người tiêu dùng nếu muốn an tâm chỉ nên mua rau ở những nơi uy tín, thân quen đáng tin cậy. Chọn rau có thân và lá không quá to hơn bình thường so với rau cùng loại, độ xanh của rau sậm màu hơn… Đặc biệt, khi mua rau về, người tiêu dùng cần cắt bỏ những lá hư, sâu, sục rửa nhiều lần dưới vòi nước chảy, sau đó tiếp tục ngâm vào nước muối, nước rửa. Sau vài phút vớt lên, để ráo rồi chế biến thức ăn ngay”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
“Rau cung cấp lượng vitamin A, C thiết yếu giúp tăng sức đề kháng, cung cấp chất xơ phòng ngừa táo bón, ung thư đại tràng… Nhưng nếu không được xử lý sạch, rau dễ dàng gây ngộ độc bởi đây là loại thực phẩm có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao, người tiêu dùng lại hay ăn sống” – BS. Huệ khuyến cáo.
 

Bình luận (0)