Một ca phẫu thuật GCS. Ảnh: TH.LÊ |
Nhiều người rất ám ảnh với chứng bệnh gai cột sống (GCS) bởi nó thường xuyên gây ra đau nhức làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, cuộc sống.
Những nguyên nhân gây bệnh
Bà Lê Thị Hoa (Cần Đước – Long An) lo lắng: “Tôi năm nay 50 tuổi, bị gai toàn bộ các đốt sống lưng. Tôi đã đi khám ở bệnh viện tuyến huyện đồng thời uống thuốc nhưng không đỡ. Nhiều đêm tôi mất ngủ vì đau. Con tôi đã lên mạng tìm đọc một số cách ăn uống có thể giảm được bệnh này như: Ăn tỏi, uống rượu tỏi, ăn gừng, ăn các loại rau xanh, chuối, cà chua… Nếu tôi ăn những thứ này có đỡ đau không? Ngoài ra, tôi có thể mua một số thuốc giảm đau uống tại nhà được không?”. Anh Đoàn Văn Hưng (35 tuổi, quận 3 – TP.HCM) thắc mắc: “Vừa rồi, tôi đi bệnh viện chụp X- quang thì BS nói tôi bị gai ở cột sống lưng. Có phải do tôi uống sữa lâu năm nên mới bị GCS. Tôi nghe nói bệnh này phẫu thuật sẽ tốt hơn?”.
Theo BS. Nguyễn Minh Tuấn – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM – bệnh GCS là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Nguy cơ mắc bệnh này tăng theo độ tuổi và nam bị nhiều hơn nữ. Gai thường xuất hiện ở đốt sống cổ và thắt lưng, vì hai bộ phận này hoạt động nhiều nhất, nên dẫn đến tình trạng khớp thoái hóa nhanh. Thông thường, bệnh xuất hiện ở người có tuổi từ 35, 40 trở lên. Nguyên nhân gây bệnh ở nam giới phần lớn là do lao động nặng, còn nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai và sinh nở mà không được bù đắp đầy đủ. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất là thoái hóa bản thân xương cột sống do chứng loãng xương gây ra. Biểu hiện rõ nhất của bệnh này là những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, cảm giác khó chịu, bức bối trong cơ thể, dáng đi không bình thường, vẹo vọ hoặc lưng còng xuống… Đôi khi cũng có những cơn đau cấp tính khiến người bệnh cảm thấy nhói buốt, lan sang các vùng khác như vai, thần kinh tọa, đau hông và đùi đến mức không thể đi lại lâu được.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng
Khi bị GCS, người bệnh cần được BS chuyên khoa khám, chỉ định chính xác dùng loại thuốc gì. BS sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để kê đơn thuốc sao cho hiệu quả nhất. Đa số các thuốc điều trị GCS đều có tác dụng phụ đến dạ dày nên phải ăn no trước khi uống thuốc. Nếu bệnh nặng, BS cũng sẽ chỉ định phẫu thuật.
BS. Nguyễn Minh Tuấn cho hay: “Ngoài các phương pháp được sử dụng điều trị hiện nay là dùng thuốc, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu thì việc ăn uống được xem là yếu tố quan trọng để phòng ngừa GCS. Nhiều người cho rằng, khi bị GCS thì không nên ăn thức ăn giàu canxi. Quan niệm này thật sai lầm vì 90% canxi khi ăn vào đều được thải ra đường phân, chỉ có 10% là được hấp thụ. Ngoài ra, lượng canxi trong máu được kiểm soát rất chặt chẽ, không để tăng lên quá mức hoặc giảm quá mức. Điều này cho thấy, ăn nhiều canxi không ảnh hưởng, không làm gai mọc nhiều hơn. Canxi là một nguyên tố chính yếu cấu thành xương, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 1.200mg canxi. Thức ăn chứa nhiều kali như sữa, các sản phẩm từ sữa là nguồn thực phẩm giàu canxi và dễ hấp thu nhất. Đây cũng chính là câu trả lời cho anh Đoàn Văn Hưng là uống sữa lâu năm không gây ra bệnh GCS. Ngoài ra còn kể đến các loại rau xanh, các loại thủy sản như tôm cua, các loại cá nhỏ để ăn nguyên xương cũng cung cấp một lượng canxi đáng kể. Lối sống cũng góp phần quan trọng để phòng ngừa GCS. Vì vậy, nên thường xuyên vận động để tăng hấp thu canxi, tập cho xương chắc khỏe. Cần đi ra ngoài trời để tăng tạo vitamin D do da tiếp xúc với ánh nắng sẽ giúp tổng hợp vitamin D. Đây là vitamin giúp hấp thu và chuyển hóa canxi trong cơ thể”.
Thu Hiền
Bình luận (0)