Các BS đang phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi. Ảnh: T.Hiền |
Vẹo vách ngăn mũi là một dị tật rất phổ biến hiện nay ở nhiều độ tuổi. Tùy vào từng mức độ vẹo mà nó gây ra những ảnh hưởng khác nhau tới hoạt động của cơ thể. Nguyên nhân của căn bệnh này là do sự phát triển không đều giữa vách ngăn và khung xương mũi hoặc do chấn thương.
Vì sao vách ngăn mũi bị vẹo?
Chị Nguyễn Thị Châu – tiểu thương chợ Thủ Đức – TP.HCM đưa con trai đang học lớp 11 đến bệnh viện khám vì: “Cháu thường bị nghẹt mũi, nhức đầu, sáng nào ngủ dậy cũng ngứa mũi liên tục”. BS chẩn đoán con trai chị bị vẹo vách ngăn bên trái và đề nghị cháu nên mổ để chỉnh hình vách ngăn. Chị Châu rất lo lắng liệu sau khi phẫu thuật chỉnh hình thì sức khỏe của con trai chị có bị ảnh hưởng gì không? Trường hợp của Lê Nam (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng được BS khẳng định là bị vẹo vách ngăn mũi trái, nên phẫu thuật sớm. Bản thân Nam thường thấy mũi ngứa, hay hắt hơi và “chảy mũi trong” xuống họng khiến phải khạc liên tục, đôi lúc cũng nhức nửa đầu. Bà Kim Lan, 45 tuổi, nhà ở Bến Lức – Long An, cách đây 15 năm do chấn thương nên mũi bà bị vẹo vách ngăn, làm cho bên lỗ mũi phải không hít thở bình thường được, thường phải thở bằng miệng. Hiện tại, bà hay bị nghẹt mũi, khó thở và ngáy khi ngủ, chất lượng giấc ngủ không tốt…
Vách ngăn mũi được cấu tạo gồm sụn và xương, trên thực tế thường ít gặp một vách ngăn mũi thẳng hoàn toàn. Các dị hình vách ngăn mũi bao gồm vẹo vách ngăn sang một bên (vẹo một phần hay hoàn toàn), mào hay gai vách ngăn (là những phần vách ngăn nhô ra bên ngoài, tùy theo hình thù khác nhau mà gọi là mào hay gai vách ngăn)… Phần lớn nguyên nhân là do bẩm sinh. Tuy nhiên, lúc đầu vẹo vách ngăn không có biểu hiện gì rõ. Khi lớn lên, cơ thể phát triển, xương phát triển theo, lúc đó những triệu chứng biểu hiện của vẹo vách ngăn mới ngày một rõ hơn. Do vậy, có nhiều trường hợp được BS chẩn đoán vẹo vách ngăn thì người bệnh thắc mắc rằng: “Tôi không hề bị té hoặc bị va chạm gì thì sao mà lại bị vẹo vách ngăn?!”. Cũng như khi được BS cho biết bệnh do bẩm sinh, thì nhiều bệnh nhân lại thắc mắc: “Bẩm sinh sao lâu nay bệnh không biểu hiện?!”. Thông thường, nhiều trường hợp vách ngăn bị vẹo không có biểu hiện gì nhiều. Nhưng, sau khi mắc phải một đợt cảm cúm kéo dài, dai dẳng không dứt, người bệnh đến BS chuyên khoa khám hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát thì mới phát hiện. Ngoài những người mắc bệnh bẩm sinh, thì cũng có những trường hợp vẹo vách ngăn là do chấn thương ở vùng mũi (do té, va chạm, bị đánh…). Nếu để tình trạng nghẹt mũi do vẹo vách ngăn kéo dài sẽ dẫn đến bị viêm mũi, viêm xoang. Tình trạng nghẹt mũi lâu cũng ảnh hưởng lên bệnh lý tim mạch, ảnh hưởng đến trí nhớ, năng suất làm việc.
Phẫu thuật chỉnh hình bằng phương pháp nội soi
Vì vậy, nếu vẹo vách ngăn mũi mà không gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh thì không cần phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu vẹo vách ngăn mũi gây ra nghẹt mũi, đau đầu thường xuyên hoặc tạo điều kiện tiền đề cho các bệnh mũi xoang phát triển thì cần phải mổ để chỉnh hình lại vách ngăn. Vì việc uống thuốc chỉ giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu chứ không thể điều trị dứt bệnh được.
Phẫu thuật chỉnh hình vẹo vách ngăn mũi là một phẫu thuật không quá phức tạp, nhẹ nhàng và nhanh chóng, có thể gây tê để mổ. Vì vậy người bệnh rất mau chóng bình phục sau mổ và thường là không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, không để lại sẹo.
Hiện nay, ngoài phương pháp mổ thông thường, có thể mổ chỉnh hình vách ngăn mũi bằng nội soi. Việc quyết định theo phương pháp nào là tùy vào đánh giá của từng BS điều trị. Người bệnh cần chú ý tránh ngạt mũi bằng cách không hút thuốc lá, không uống rượu bia, đeo khẩu trang khi đi đường, không lạm dụng thuốc nhỏ mũi.
BS. Nguyễn Văn Tiến
(Khoa Tai mũi họng – Bệnh viện 175 – TP.HCM)
Bình luận (0)