Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Để trẻ hết tè dầm

Tạp Chí Giáo Dục

Tè dầm là hiện tượng thường xảy ra đối với trẻ trên 3 tuổi. Ảnh: T.HIỀN

Tè dầm là hiện tượng của trẻ trên 3 tuổi, nước tiểu tự chảy trong giấc ngủ. Nếu nhẹ thì vài ngày một lần, còn nặng thì đêm nào cũng tè dầm hoặc một đêm vài lần. Hiện tượng này nếu không được chữa khỏi có thể kéo dài đến 10 tuổi, áp lực tinh thần của trẻ sẽ lớn, thường ở trạng thái u uất, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe và tư tưởng.
“Thói xấu” của con?
Chị Kim Hoàng (quận 4 – TP.HCM) chia sẻ: “Con trai tôi đã 9 tuổi mà buổi tối khi ngủ vẫn hay tè dầm. BS siêu âm và xét nghiệm nói là cháu bình thường, không có bệnh gì, cho uống thuốc driptane 5mg/ngày trong vòng 7 ngày, cháu có giảm tè dầm sau đó bị lại.Tôi không biết có loại thuốc hay phương pháp nào trị dứt điểm tè dầm không?”.
Tương tự, anh Hoàng Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay con gái anh đã 6 tuổi nhưng vẫn hay tè dầm. Nghe nhiều người khuyên, anh không cho con uống hay ăn bất cứ thứ gì có nước sau 20 giờ. Thế nhưng, con anh vẫn tè dầm khi ngủ. Theo kinh nghiệm dân gian, ba mẹ vợ bảo anh mua cua về luộc chín, tách ra lấy phần yếm cua cho con ăn nhiều lần thì bé sẽ hết tè dầm. Anh đã làm theo nhưng vẫn không chấm dứt thói quen xấu này của con.
Theo ThS.BS Đình Thạc (Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM) thì: “Trẻ chỉ bị gọi là tè dầm khi tái diễn tè dầm ít nhất 2 lần/tuần và kéo dài ít nhất 3 tháng liên tiếp. Trẻ tè dầm là do não chưa điều khiển được bàng quang khi trẻ rơi vào tình trạng ngủ sâu giấc. Một lý do khác nữa có thể là do bàng quang trẻ phát triển chậm hơn và chưa hoàn thiện so với những bạn bè cùng lứa. Cũng có thể do cơ thể của trẻ thiếu hormone antidiuretic giúp ức chế hiện tượng tè dầm khi ngủ; hoặc do tâm lý của trẻ có vấn đề như cảm thấy căng thẳng, không điều tiết được cảm xúc. Ngoài ra, còn có yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ có tiền sử tè dầm thì tỷ lệ con bị là 44%, còn nếu cả bố và mẹ đều từng bị tè dầm thì tỷ lệ con bị là 77%”.
Để giúp trẻ điều trị hiện tượng tè dầm, theo BS. Đình Thạc thì không nên cho trẻ uống bất cứ loại nước gì 2 tiếng trước khi đi ngủ. Trước khi đi ngủ, nên cho trẻ đi vệ sinh. Để đảm bảo trẻ đi vệ sinh ban đêm được dễ dàng, nên đặt đèn chiếu sáng ở nhà vệ sinh. Bố mẹ thường xuyên động viên, không đánh mắng, trừng phạt, tạo cho trẻ cảm giác được tôn trọng, yêu thương sẽ khiến trẻ tự tin, giảm lo lắng… Đây cũng chính là yếu tố để điều trị tè dầm rất tốt cho trẻ. Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy bực bội khi con mình tè dầm, đồng thời có thái độ trách móc, phê phán hoặc mang chuyện con tè dầm ra để trêu đùa. Những việc làm này sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương tâm lý, sợ hãi và lo lắng khiến tình trạng tè dầm tái diễn nhiều hơn.
Một số bài thuốc trị tè dầm
Đối với trẻ tè dầm mà sức khỏe gầy yếu, sắc mặt trắng bạch, sợ lạnh, ít hoạt động thì có thể tăng thêm các thức ăn ấm nóng bồi bổ như long nhãn, vải, hồng đào, thịt dê… Còn trẻ tè dầm mà sức khỏe tốt, sắc mặt hồng, sợ nóng, thích hoạt động, tiểu vàng đỏ thì nên cho ăn uống thanh đạm, chủ yếu là rau tươi, hoa quả, đồng thời kiêng các thức ăn cay, nóng khô. Theo lương y Đinh Công Bảy thì có một vài món ăn chữa tè dầm cho trẻ rất hiệu quả: Cháo nhân sâm (gạo tẻ 100g, rang cho nở, sau dùng lửa nhỏ hầm nhừ. Lấy 10g nhân sâm thái lát mỏng cho vào hầm tiếp là được. Mỗi ngày cho trẻ ăn 1 lần); cháo cật dê: (bạch quả 10-15g, cật dê 1 quả, thịt dê 50g, gạo nếp 50g, hành 1 củ nhỏ. Bạch quả và gạo nếp vo sạch nấu với 3/4 lít nước. Chẻ dọc quả cật, lột sạch tuyến mỡ  tanh, cắt nhỏ, hành tím và thịt dê bằm nhỏ. Cháo nhừ, cho hành tím, cật dê, thịt dê vào nấu vừa chín, nêm muối cho vừa miệng. Nên cho trẻ ăn vào buổi sáng và buổi chiều).
Phụng Diễm

Bình luận (0)