Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cán bộ công đoàn trích lương ủng hộ người lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Công đoàn Việt Nam vừa có công văn kêu gọi cán bộ công đoàn trích 1 ngày lương trong 3 tháng để hỗ trợ người lao động. Còn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo đã rót 17.500 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhằm tập trung các nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn yêu cầu công đoàn các cấp dừng các hoạt động không cấp bách và kêu gọi ủng hộ ngày lương cho người lao động. 
Thông điệp của Công đoàn Việt Nam trong Tháng công nhân năm nay
Công đoàn Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp rà soát chương trình công tác năm 2020, cắt giảm, điều chỉnh các nội dung chưa thực sự cấp thiết (như tổ chức hội thi, hội thảo, tọa đàm, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, đi công tác nước ngoài, một số dự án đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa chưa triển khai…) để tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, người lao động, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, lao động. 
Đối với các hoạt động được triển khai, cần cân nhắc quy mô, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kêu gọi, vận động cán bộ công đoàn chuyên trách ủng hộ mỗi tháng 1 ngày lương, trong vòng 3 tháng kể từ tháng 6-2020 đến tháng 8-2020 để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
Số tiền kêu gọi, vận động được sẽ hỗ trợ cho đối tượng và mức theo Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22-5-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Cán bộ công đoàn trích lương ủng hộ người lao động ảnh 2
Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM giai đoạn 2020 – 2025 diễn ra tại TPHCM chiều qua 2-6.
Còn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các giải pháp thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn nêu rõ, đến nay, về cơ bản các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng và chi trả cho các đối tượng đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động trong doanh nghiệp hiện nay vẫn còn khá chậm…
Để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có).
Tăng cường xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng hỗ trợ, cập nhật thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Cán bộ công đoàn trích lương ủng hộ người lao động ảnh 3
Theo Bộ LĐ-TB&XH báo cáo, nhiều người lao động đã được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến ngày 20-5-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng, trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người. 
Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20-5 là 17.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng).
VĂN PHÚC (theo SGGP)

Bình luận (0)