Thay vì phải ra nước ngoài du học nghề thì ngay trong nước, học sinh có thể học các chương trình đào tạo liên kết cũng như những chương trình chuyển giao theo chuẩn quốc tế.
Đại diện Tập đoàn STC Group (Hà Lan) đến thăm và làm việc với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong chương trình hợp tác đào tạo ngành logistics
Du học nghề tại chỗ đang được các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam quan tâm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học trước bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Xu hướng mới
TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh giữa các trường thuộc hệ thống GDNN, đồng thời để khẳng định vị thế của đơn vị trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, các trường đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, chuyển giao chương trình, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế. Việt Nam đang phát triển tốt mối quan hệ với các nước trong khu vực và quốc tế ở lĩnh vực GDNN như Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thông qua các chương trình hợp tác, các nước có hệ thống GDNN phát triển không chỉ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình, đào tạo giáo viên nguồn các nghề trọng điểm khu vực và thế giới mà còn xây dựng xanh hóa GDNN… với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. “Với các chương trình hợp tác hay chuyển giao chương trình đào tạo, các trường nghề Việt Nam có đủ điều kiện cho môi trường học tập đúng chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của người học thì việc chọn du học nghề tại chỗ là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là hướng để giải quyết bài toán kinh tế và tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động đối với người học”, TS. Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM trong giờ thực hành theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân khẳng định, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài là hướng đi đúng với yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay. Đây là các ngành nghề mà doanh nghiệp trong nước đang có nhu cầu nhân lực và cần được nhân rộng đào tạo trong thời gian tới. |
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) đánh giá với các chương trình đào tạo liên kết, chuyển giao, khi sinh viên ra trường được phía đối tác đánh giá cao về năng lực cũng như kỹ năng tay nghề. Kết quả đào tạo đó đánh giá theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. “Thay vì phải bỏ một khoản chi phí khá cao để ra nước ngoài học, hiện nay học sinh có thể lựa chọn các chương trình đào tạo chuyển giao từ Úc hoặc Đức ngay trong nước. Khi tốt nghiệp, các em được cấp hai bằng – một bằng do trường theo học tại Việt Nam cấp và một bằng do phía trường đối tác cấp. Bên cạnh kỹ năng tay nghề được đối tác công nhận, sinh viên còn đạt trình độ tiếng Anh từ B1 đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu”, TS. Nguyễn Thị Hằng cho biết. Tương tự, TS. Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) chia sẻ: “Với sinh viên theo học ngành kỹ thuật chương trình chuyển giao, chương trình chất lượng cao theo tiêu chuẩn Đức, các em được đào tạo bài bản về kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ. Qua các đợt đặt hàng đào tạo và tuyển dụng, doanh nghiệp rất hài lòng vì các em có thể bắt tay vào việc ngay mà không phải mất thời gian cũng như chi phí đào tạo lại”.
Học nghề tại Việt Nam theo chuẩn quốc tế
TS. Nguyễn Hồng Minh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) cho biết để có đủ điều kiện đưa vào đào tạo thí điểm 12 nghề theo chương trình chuyển giao từ Úc (gồm 41 lớp tại 25 trường trên cả nước – PV), từ năm 2015, Tổng cục GDNN đã lựa chọn giáo viên đưa sang Úc học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đến nay đã có hàng trăm giáo viên dạy nghề được Học viện Chisholm (Úc) công nhận đạt chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, đủ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp đào tạo thí điểm theo quy định của học viện này. Bên cạnh đó, phía chuyển giao chương trình cũng đã khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường để đảm bảo đào tạo chương trình chuẩn quốc tế ngay trong nước. Theo thống kê của Tổng cục GDNN, 724 sinh viên theo học 12 nghề chuyển giao từ Úc đã hoàn thành chương trình với tỷ lệ tốt nghiệp khá, giỏi chiếm đến 90% và đã có việc làm tại các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước.
TĂNG CƯỜNG MỞ RỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TS. Đỗ Văn Giang (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH) nhận định, trước đây việc hợp tác đào tạo với quốc tế còn nhiều ràng buộc, nhưng từ khi Luật GDNN ra đời đã mở ra một hướng mới là tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết giữa các trường trong nước và quốc tế. Sau nữa là có các quy định về hình thức đào tạo liên kết với nước ngoài. Cụ thể là các chương trình của nước ngoài được tổ chức đào tạo tại Việt Nam và được Việt Nam cấp bằng; chương trình hợp tác giữa hai trường Việt Nam và nước ngoài được tổ chức quốc tế công nhận và cấp bằng; chương trình chuyển giao được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam…
|
Bên cạnh chương trình chuyển giao từ Úc, Tổng cục GDNN cũng đã lựa chọn 45 trường để đào tạo thí điểm trình độ CĐ cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức, bao gồm 66 lớp với hơn 1.000 sinh viên. Thời gian đào tạo chương trình này từ 3 đến 3,5 năm, tùy theo nghề. Tương tự như chương trình chuyển giao từ Úc, tốt nghiệp chương trình này, sinh viên được cấp hai bằng – một bằng CĐ do trường Việt Nam đào tạo cấp và một bằng do Đức cấp (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức). 22 nghề đào tạo theo chương trình của Đức gồm: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí; chế biến và bảo quản thủy sản; chế tạo thiết bị cơ khí; công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; cắt gọt kim loại; công nghệ ô tô; điện công nghiệp; điều khiển tàu biển; gia công và thiết kế sản phẩm mộc; hàn; khai thác máy tàu thủy; kỹ thuật chế biến món ăn; lắp đặt thiết bị cơ khí; quản trị khách sạn; quản trị lễ tân; sửa chữa máy tàu thủy; điện tàu thủy; vận hành máy thi công nền; thiết kế thời trang; vận hành thiết bị chế biến dầu khí; vận hành máy thi công mặt đường và kỹ thuật xây dựng.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bình luận (0)