Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mỹ phẩm làm đẹp: Kỳ cuối: “Tự chế” có thực sự an toàn?

Tạp Chí Giáo Dục

Son môi và nước hoa khô handmade được bày bán tràn lan tại các chợ

Với bản chất “hoàn toàn thiên nhiên” nhưng mỹ phẩm tự chế đã và đang len lỏi tìm chỗ đứng trong lòng các “tín đồ” mê làm đẹp. Tuy nhiên, đa phần họ lại quên rằng, sản phẩm này chưa hẳn đã an toàn…
“Mê hồn trận”
Hiện tại, mỹ phẩm handmade chủ yếu kinh doanh thông qua các kênh internet: Facebook, vatgia, muare, raovat… Chỉ cần vào google gõ “Mỹ phẩm tự chế hoặc mỹ phẩm handmade”, bạn sẽ bị lạc vào “mê hồn trận” với các sản phẩm chăm sóc toàn diện từ A đến Z. Với bất kỳ sản phẩm nào cũng được quảng cáo là “không hóa chất, không chất bảo quản và an toàn tuyệt đối”. Thậm chí nhiều trang web còn mạnh miệng tuyên bố sản phẩm của mình không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc mà còn đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm và hoàn toàn có thể ăn được.
Phần lớn mỹ phẩm handmade được chọn làm thường là: Son, nước hoa khô, sữa dưỡng thể, tẩy da chết, lăn khử mùi, xà phòng bánh… được làm 100% thủ công, từ khâu đong đếm tỉ lệ đến khâu pha chế, chưng cất và ra lò. Nguyên liệu dùng để chế biến mỹ phẩm handmade bao gồm: Sáp ong, dầu/bơ thực vật ở dạng rắn trong nhiệt độ mát (dầu dừa, dầu cọ, bơ quả mỡ), dầu/bơ thực vật ở dạng lỏng trong nhiệt độ phòng (dầu olive, dầu caster, vitamin E…) cộng với hương liệu và phẩm màu tùy thích.
Tùy vào mỗi loại sản phẩm sẽ có sự pha trộn các thành phần nguyên liệu với tỷ lệ khác nhau. Tuy nhiên, để ra lò một mẻ mỹ phẩm handmade lại đơn giản đến không ngờ. Chỉ cần cho hỗn hợp pha trộn vào hấp cách thủy đến khi tan chảy, sau đó thêm hương liệu, phẩm màu và đổ ra khuôn đợi tới khi khô là đã có trong tay một sản phẩm mỹ phẩm “made in yourself” lung linh màu sắc.
Thông thường, các “hãng” mỹ phẩm handmade sẽ kiêm luôn việc kinh doanh nguyên liệu và dạy cách chế biến để tạo thành phẩm. Nhiều lớp dạy làm mỹ phẩm cũng được mở ra với mức học phí cho một khóa học khá nhẹ nhàng, chỉ từ 200-300 ngàn đồng, bao gồm cả nguyên liệu. Chính vì thế, dễ dàng hiểu vì sao mà trào lưu người người làm và kinh doanh mỹ phẩm handmade lại nhiều đến vậy. Đặc biệt là trong giới sinh viên, đối tượng luôn ham thích sự sáng tạo và chứng tỏ bản thân. Nhung Ngọc, sinh viên năm 3 Trường ĐH Văn Lang, chủ “thương hiệu” For My Sister chia sẻ: “Mình kinh doanh mỹ phẩm handmade 2 năm nay sau khi mày mò học làm qua trang Grandpa’s Garden, nguyên liệu thì mua luôn của trang đó, giá thành lại rẻ. Bạn bè của mình cũng rất nhiều người kinh doanh mỹ phẩm handmade, phần lớn bán trên facebook…”.
Có thực sự an toàn?
Đặc điểm của mỹ phẩm handmade là người làm có thể sáng tạo ra những sản phẩm có màu sắc và mùi vị đặc trưng của riêng mình tùy theo “ngẫu hứng”. Tuy nhiên, cũng bởi đặc tính này mà mỗi mẻ sản phẩm tạo ra của ngay một “thương hiệu” cũng rất khác nhau.
Dù nguyên liệu thiên nhiên nhưng sản xuất lại hoàn toàn thủ công, người làm lại chưa có kinh nghiệm trong việc chọn lọc nguyên liệu, bảo quản và pha chế nên mỹ phẩm handmade có thể bị biến chất và trở nên thiếu an toàn.
Trên trang Grandpa’s Garden – nơi mỹ phẩm handmade có mặt đầu tiên tại Việt Nam cũng khuyến cáo: Những tinh chất, tinh dầu hay vitamin không phải là chất bảo quản vì không hề có tác dụng chống nấm mốc. Chúng chỉ có thể giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm nhưng cũng không có khả năng chống khuẩn. Và đặc biệt là đối với loại mỹ phẩm có nước thì bắt buộc phải sử dụng đến hóa chất bảo quản. Còn nếu không thì sản phẩm không sử dụng quá 1 tháng… Các loại mỹ phẩm handmade chỉ sử dụng tốt nhất trong thời gian từ 3-6 tháng.
Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Hào – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM: “Để sản xuất ra một sản phẩm mỹ phẩm an toàn và đúng tiêu chuẩn không hề đơn giản, phải có quá trình nghiên cứu và những chứng cứ khoa học về thành phần, quy trình sản xuất. Thậm chí đối với các sản phẩm đã qua kiểm định ngặt nghèo vẫn có khả năng gây dị ứng. Còn đối với những sản phẩm mỹ phẩm handmade, không có ai kiểm soát về chất lượng, về mức độ an toàn vệ sinh, được sản xuất thủ công, người làm lại không có kiến thức sâu về lĩnh vực hóa mỹ phẩm thì mức độ độc hại là rất lớn. Đấy là chưa kể đến hỗn hợp các chất thành phần trong mỹ phẩm handmade khi tương tác với nhau có thể gây phản ứng. Không phải cứ sản phẩm thiên nhiên là tuyệt đối an toàn…”.
Khi mà mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng, độc hại tràn lan trên thị trường thì xu thế sử dụng sản phẩm thiên nhiên là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của những người thích làm đẹp. Tuy nhiên, để là một người tiêu dùng thông minh trong việc chọn lựa mỹ phẩm handmade thì không phải ai cũng làm được. Mỹ phẩm sạch hoàn toàn từ thiên nhiên nhưng chưa chắc đã là mỹ phẩm an toàn, không nấm mốc.
Bài, ảnh: Đỗ Yến Hoa

Bình luận (0)