Trẻ đủ sắt thì sức khỏe sẽ tốt, năng động trong học tập, đạt được kết quả tốt. Ảnh: T.LÊ |
Chất sắt là vi chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Vì vậy, thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và khả năng học tập của trẻ.
Thiếu hoặc dư sắt đều nguy hiểm
Chị Trần Thị Nga (quận Thủ Đức – TP.HCM) cho biết: “Con trai tôi 14 tuổi, hay ngồi xổm để làm một việc gì đó, khi đứng lên thì bị chóng mặt, một lúc sau thì hết. Đi khám BS cho biết con tôi bị thiếu máu do thiếu sắt, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng lực học tập. Hiện, con tôi đang tập trung điều trị bệnh này”.
Anh Thanh Quang (Long An) lo lắng: “Con gái tôi 5 tuổi, đang học lớp lá. Từ lúc 3 tuổi các BS đã chẩn đoán cháu thiếu máu do thiếu sắt và chỉ định uống sirô sắt: 5ml + vitamin C: 5ml (100) liều điều trị trong 3 tháng liên tục thì vấn đề cân nặng được cải thiện đôi chút. Hiện tại, mỗi ngày cháu uống sữa theo chỉ định của BS nhưng da vẫn không hồng hào. Vì thế, tôi phải cho cháu tiếp tục uống sirô sắt: 2,5ml + vitamin C: 5ml (100) liều duy trì mỗi ngày. Tôi đang tìm hiểu các chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa việc thiếu máu do thiếu sắt cho cháu”.
Theo TS.BS Huỳnh Nghĩa (BV Truyền máu huyết học TP.HCM) thì: “Việc thiếu sắt sẽ làm giảm lượng chất sắt dự trữ trong não, tác động không tốt đến các enzyme và tế bào thần kinh của trẻ. Cụ thể là giảm phát triển trí tuệ, vận động; giảm hoạt động thể lực; giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng. Thiếu máu do thiếu sắt gây ra nhiều hậu quả xấu, có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển tâm thần, giảm sức đề kháng, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, nhưng quan trọng nhất là làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy sáng tạo, kết quả học tập kém. Thiếu sắt dễ dẫn tới các rối loạn như trên nhưng dư sắt cũng sẽ tổn thương rất nặng đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý bổ sung sắt cho trẻ mà phải do BS chỉ định bổ sung. Một số trường hợp tự ý uống viên sắt lâu dài mà không có chỉ định cũng như kiểm tra của BS có thể dẫn tới tình trạng trẻ ứ sắt – một bệnh lý nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao.
Chế độ dinh dưỡng ngừa thiếu sắt
Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ thiếu máu thiếu sắt là do chế độ dinh dưỡng cung cấp thiếu chất sắt. TS.BS Huỳnh Nghĩa cho biết: “Có hai loại chất sắt ẩn chứa trong thực phẩm đó là heme iron, tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gia cầm. Cá cũng chứa chất sắt, đặc biệt là các loại cá béo và các động vật thân mềm; còn non – heme thì tìm thấy trong thực vật như rau cải xoong, rau cải xoăn, các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch, yến mạch. Ngoài ra còn có đậu Hà Lan, các loại đậu đỗ…”.
Để phòng ngừa bệnh thiếu sắt, BS. Huỳnh Nghĩa khuyến cáo: “Vì lượng sắt ở trẻ sơ sinh lệ thuộc vào sắt của bà mẹ cho nên từ lúc mang thai, bà mẹ phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa nhiều sắt, có thể uống thêm viên sắt bổ sung nếu ăn uống chưa được đầy đủ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng, đặc biệt chú trọng các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt. Thức ăn của trẻ cần đa dạng, thay đổi món. Tránh làm cho trẻ chỉ ăn một vài món ưa thích khiến mất cân bằng vi chất trong khẩu phần ăn, gây ra các bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý, nếu trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ với những thức ăn giàu chất sắt mà vẫn xanh xao thì nên đưa trẻ đi khám bệnh để tầm soát các nguyên nhân như nhiễm giun, viêm loét dạ dày, rong kinh ở tuổi dậy thì hoặc thiếu máu bẩm sinh di truyền”.
Thu Hiền
Bình luận (0)