Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lang ben – bệnh của tuổi dậy thì

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thoa kem Nizoral trong 3 tuần để điều trị bệnh lang ben

Rất nhiều em (cả nam lẫn nữ) khi bước vào tuổi dậy thì đã mắc phải chứng lang ben. Bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan, dễ tái phát, gây cho bệnh nhân cảm giác khó chịu, mất tự tin khi đứng trước người đối diện.
Nhận diện lang ben
Em Nguyễn Quốc K., 17 tuổi, học sinh lớp 11 Trường THPT Hàn Thuyên – TP.HCM than thở: “Em cao 1m70 nặng 68kg, sức khỏe rất tốt. Em rất thích đi bơi và dự tính sẽ thi vào trường hải quân. Nhưng khổ nỗi đã hơn một năm nay em bị bệnh lang ben dạng rộng vùng lưng, ngực và bụng, trời nóng nó làm cho cả người em ngứa ngáy. Em rất mặc cảm nên đã cố gắng uống, thoa nhiều loại thuốc nhưng cũng không bớt. Em lo sợ mình bị lang ben mãn tính như vậy thì làm sao em tự tin đi bơi và thi vào trường hải quân được”.
Tương tự, em Lý Mỹ T. 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) hơn 6 tháng qua trên mặt xuất hiện nhiều vết loang màu trắng, có chỗ hơi hồng… Mới đầu T. cũng không chú ý lắm nhưng càng ngày nó càng lan rộng ra. Nhiều đêm T. cứ khóc thầm vì bị bạn bè chọc quê, cả tránh né vì sợ bị lây. “Mẹ em có mua thuốc cho em thoa, ngoài ra em còn dùng phèn chua pha với rượu trắng xức vào mỗi buổi tối nhưng cũng không hết. Chẳng lẽ em phải sống chung với nó hay sao?” – T. than thở!
BS. Lý Hữu Đức – Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết: “Các em bước vào tuổi dậy thì thường dễ bị mắc lang ben (pityriasis versicolor) do loại nấm Malassezia furfur gây nên. Bình thường loại nấm này sống hoại sinh trên da người, lây nhiễm từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp qua khăn lau, giường chiếu… Nấm sẽ gây bệnh khi có các điều kiện thuận lợi như đổ mồ hôi nhiều, xoa kem có chất béo trên da, yếu tố di truyền. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là bề mặt da nổi những vết màu hồng, nâu, đen hoặc trắng, vị trí thường bị là vùng ngực, lưng, mặt, cánh tay… Lúc bình thường lang ben không gây ngứa hoặc ngứa rất ít, nhưng khi ra nắng, làm việc đổ mồ hôi nhiều thì sẽ bị ngứa giống như kim châm. Bệnh này cũng  xảy ra ở những em thích bơi lội vì lây từ nước hồ bơi của người ở người có bệnh lang ben”.
Những cách phòng trị
Những em bị bệnh này ít khi chữa trị sớm, nhất là khi tổn thương ở vùng da khó nhìn thấy (vùng lưng) bởi ý nghĩ nó chỉ gây mất thẩm mỹ nên để cho lang ben lan rộng, trở nên khó trị. Và đó cũng là nguồn lây bệnh cho người khác. Bệnh này rất hay tái phát, nhất là khi không biết cách phòng ngừa và điều trị đúng.
Vì vậy, theo BS. Lý Hữu Đức, nếu những em xuất hiện các đốm nhỏ và ít, thì có thể dùng thuốc thoa tại chỗ như Antimycose, BSI, ASA. Ba loại thuốc này có hiệu quả cao nhưng đôi khi bệnh nhân sẽ rất khó chịu vì đau rát và tróc da. Để tránh khó chịu và đau rát, bệnh nhân có thể thoa kem Nizoral trong 3 tuần thì cũng đạt được kết quả tốt. Nếu có nhiều đốm lang ben xa nhau, dùng thuốc thoa sẽ dễ bỏ sót thì nên dùng thuốc uống loại Sporal, viên 100mg, ngày uống 2 viên trong 7 ngày, uống sau khi ăn.
Kinh nghiệm dân gian trị lang ben cũng rất phong phú, trong đó có cách dùng củ riềng ngâm rượu để chữa. Cụ thể, lấy 100g riềng già, rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 200ml rượu trắng hoặc cồn. Khi dùng, lấy bông y tế thấm thuốc bôi đều lên vùng bị lang ben, mỗi ngày bôi vài lần. Ngoài ra còn có cách là xắt lát mỏng trái chuối tiêu xanh hình tròn rồi dùng miếng chuối đó chà xát lên chỗ bị lang ben từ 2-3 lần mỗi ngày. Làm như thế liên tục trong một tuần, các vết lang ben sẽ ra đi… Để phòng bệnh, tốt nhất là các em không nên dùng chung quần áo, khăn tắm với người có bệnh. Nếu tập thể dục nhiều thì cần tắm rửa sạch sẽ vì mồ hôi ra nhiều cũng là nguyên nhân gây ra lang ben.
Bài, ảnh: Vân Thảo

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)