Dù không đưa cụ thể vào đề án tuyển sinh, song các giải thưởng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà thí sinh có được sẽ là lợi thế trong ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH năm 2021.
Chuyên gia đang giải đáp câu hỏi của học sinh tại chương trình. Ảnh: T.Tri
Đây là thông tin hữu ích được các chuyên gia đưa ra trong buổi khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 năm 2021 diễn ra tại Trường THPT Marie Curie (Q.3) ngày 11-1. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ, TC trên địa bàn thành phố.
Nhiều trường sử dụng phương thức kỳ thi riêng
Trao đổi với học sinh Trường THPT Marie Curie, đại diện nhiều trường ĐH cho hay, tính đến thời điểm này, về phương thức xét tuyển ĐH năm 2021, các trường sẽ vẫn duy trì phương thức tổ chức kỳ thi riêng. Cụ thể, TS. Hà Thúc Viên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức) thông tin, năm 2021, trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực TestAS, là một trong 5 phương thức độc lập được trường sử dụng xét tuyển, bên cạnh các phương thức khác như kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển thẳng với thí sinh đạt học sinh giỏi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; xét tuyển thẳng thí sinh có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp THPT hoặc bài thi năng lực quốc tế; xét học bạ 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12). “Kỳ thi đánh giá năng lực TestAS do trường tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 5-2021. Hiện tại, cổng nhận hồ sơ online của kỳ thi này đã mở. Tuy nhiên, do trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nên đối với 5 phương thức tuyển sinh của trường, thí sinh đều phải thỏa mãn năng lực tiếng Anh đầu vào theo quy định của trường. Nếu thí sinh chưa có chứng chỉ thì phải dự kỳ thi tiếng Anh đầu vào do trường tổ chức”, TS. Viên cho biết. Tương tự, năm 2021, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến tuyển sinh theo 5 phương thức ở 68 ngành đào tạo, trong đó có phương thức kỳ thi đánh giá năng lực riêng do trường tổ chức (chiếm 8% tổng chỉ tiêu). PGS.TS Trần Mạnh Hà (Phó Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, với kỳ thi riêng do trường tổ chức, thí sinh sẽ thi theo dạng SAT 2. Trong đó, thí sinh sẽ chọn dự thi 3 môn theo tổ hợp môn xét tuyển trong ngành dự thi và đạt ngưỡng điểm chất lượng đầu vào theo quy định của trường.
Như mọi năm, mùa tuyển sinh năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn được nhiều trường ĐH ưu tiên sử dụng làm phương thức xét tuyển. Thông tin chi tiết về kỳ thi này, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, theo kế hoạch năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra làm 2 đợt, đợt đầu ngày 28-3 tới đây. “Thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Do đó, nếu có nguyện vọng sử dụng kỳ thi này làm phương thức xét tuyển thì thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh riêng của từng trường ĐH cũng như theo sát thông tin về kỳ thi trên trang web”, TS. Mai nhấn mạnh.
Theo TS. Mai, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra theo hình thức trắc nghiệm. Thí sinh không cần phải luyện thi mà nên tăng cường làm bài tập các môn để nắm chắc kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, thí sinh cũng không nên tập trung vào kỹ năng tiếng Anh mà cần chú trọng kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng giải quyết các vấn đề xã hội…
Mỗi trường có hình thức ưu tiên xét tuyển riêng
Chia sẻ về phương thức tuyển sinh của trường trong năm 2021, ThS. Vũ Đình Lê (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay, năm 2021, Trường ĐH Luật TP.HCM không tổ chức kỳ thi riêng của trường mà dự kiến vẫn giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2020, bao gồm phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. “Đối với hình thức ưu tiên xét tuyển, trường sẽ ưu tiên thí sinh đạt các chứng chỉ ngoại ngữ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc tương đương. Đồng thời trường cũng ưu tiên xét tuyển học sinh từ các trường chuyên có tổ hợp 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên…”, ThS. Lê cho biết.
Học sinh Trường THPT Marie Curie trao đổi thông tin riêng với chuyên gia. Ảnh: Y.Hoa
Thông tin về phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ThS. Trần Duy Can (đại diện nhà trường) cho hay, năm 2021, trường vẫn sử dụng kết quả học bạ (tổ hợp 3 môn đăng ký xét tuyển năm lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) làm phương thức xét tuyển, bên cạnh các phương thức xét tuyển truyền thống khác như sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, thí sinh càng có nhiều thành tích trong học tập thì càng có lợi thế trong xét tuyển, khả năng trúng tuyển vào trường bằng phương thức này sẽ cao. Các lợi thế đó có thể là điểm IELTS từ 6.0 trở lên, giải thưởng học sinh giỏi cấp TP… Trước băn khoăn của học sinh về phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông nhà trường) cho biết phương thức xét tuyển của trường vẫn y như năm 2020, bao gồm: tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế (4%); ưu tiên xét tuyển với danh sách 149 trường; điểm thi đánh giá năng lực (40%)… Riêng với phương thức ưu tiên xét tuyển, ThS. Quán lưu ý, ngoài tiêu chí là học sinh trong danh sách các trường quy định thì thí sinh phải đạt học sinh giỏi 3 năm THPT, hạnh kiểm tốt. Phương thức này chiếm 20% tổng chỉ tiêu.
Nói về việc ưu tiên xét tuyển, ThS. Võ Văn Tuấn (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) khẳng định, khi người học có các lợi thế về chứng chỉ ngoại ngữ, đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp TP thì sẽ cộng điểm ưu tiên để trường xét học bạ.
Yến Hoa
Bình luận (0)