Nên đưa trẻ đến BV có uy tín để nhổ răng nhằm đảm bảo không xảy ra những tai nạn bất ngờ. Ảnh: T.H |
Trẻ nhỏ chưa ý thức được những hậu quả do việc làm của mình, vì vậy rất dễ xảy ra tai nạn. Người lớn thiếu hiểu biết hoặc bất cẩn cũng có thể vô tình gây tai nạn cho trẻ…
Suýt mất con vì gửi… nhà hàng xóm
Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 vừa cấp cứu kịp thời cho bé T.T.B.N (2 tuổi) được chuyển từ BV tỉnh Bình Dương lên. Lúc nhập viện, bé có các biểu hiện co gồng bụng kèm nôn ói nhiều. Người nhà cho hay, do cha mẹ là công nhân đi làm suốt nên gửi bé cho nhà hàng xóm trông giùm. Con gái (12 tuổi) của chủ nhà đã chơi trò cưỡi ngựa với bé. Trong quá trình chơi, bé bị trượt tay té đập bụng xuống đất. Buổi chiều, cha mẹ đi làm về thì thấy con đau bụng quằn quại nên vội đưa đi khám. Các bác sĩ trực cấp cứu sau khi thăm khám, kết hợp chụp CT Scan bụng phát hiện tụy của bé bị đứt ngang gây tràn máu ổ bụng. Bé được mổ khẩn cấp, kết quả sau mổ phát hiện tụy của bé bị đứt đôi vùng đầu, dập tá tràng (phần đầu của ruột non) và rách thanh cơ vùng hổng tràng (ruột non).
BS. Trần Thanh Trí, Phó khoa Ngoại – BV Nhi đồng 2 cho biết: “Trường hợp của bé N. là trường hợp chấn thương tụy nặng và khá hi hữu. “Tụy (còn gọi là lá mía) là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm hai chức năng chính là sản xuất và bài tiết các dịch tụy chứa các men tiêu hóa (enzyme tiêu hóa). Khi tụy bị chấn thương, dịch tụy chứa men tiêu hóa tràn vào ổ bụng gây tình trạng viêm nặng nề. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng sẽ dẫn đến tử vong. Chấn thương tụy là một chấn thương thường để lại nhiều di chứng sau phẫu thuật. Nguyên nhân là do thành bụng của trẻ nhỏ thường mỏng, các tạng trong ổ bụng rất dễ bị tổn thương khi có chấn thương. Do đó, các bậc phụ huynh nên cẩn trọng, đề phòng những chấn thương va đập mạnh vào bụng ở trẻ nhỏ. Khi trẻ nói có té ở bụng và than đau thì nên đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám”.
Con bệnh tại mẹ
Mới đây, Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi N.H.M.C (3 tháng tuổi) chuyển từ BV Bình Chánh trong tình trạng thở nấc khoảng 15 lần/ phút, kèm cơn ngưng thở kéo dài. Trước đó, bé bị nghẹt mũi, mẹ tự ý mua thuốc nhỏ mũi Rhinex tại tiệm thuốc tây gần nhà. Sau khi được nhỏ thuốc vào mũi khoảng 2 giờ thì bé bắt đầu quấy khóc, tím môi nên gia đình đưa tới BV Bình Chánh. Tại đây bé được hút đàm, thở ôxy và chuyển đến BV Nhi đồng 1.
Qua thăm khám, các BS BV Nhi đồng 1 chẩn đoán bé bị ngộ độc Naphazolin qua đường niêm mạc mũi. Sau đó, bé được điều trị đặt nội khí quản, bóp bóng giúp thở. Sau 3 giờ tích cực điều trị, bé đã tự thở lại.
Vừa qua, Khoa Răng hàm mặt – BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bệnh nhân T.N.N.T (5 tuổi, ngụ ở Q.Tân Phú) với bệnh cảnh vùng miệng chảy nhiều máu. Theo lời khai của mẹ, khi phát hiện hai răng cửa hàm dưới của bé bị lung lay nên tự lấy chỉ nhổ. Tuy vậy, chỉ nhổ được một răng. Đến cái thứ hai do răng còn cứng và bé khóc nên người nhà cố lấy ra nhưng không được. Tại Khoa Răng hàm mặt, BS khám cho bé phát hiện máu trong miệng vẫn còn chảy, hàm dưới còn dính một chiếc răng, đặc biệt là nướu răng bị rách và một khối xương ổ răng bị vỡ ra khỏi xương hàm còn dính theo răng. Sau đó, bệnh nhân đã được cố định lại răng và may vết thương. Phải mất hai tuần điều trị, vết thương của bé mới ổn định.
“Qua trường hợp trên, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý: Không nên tự nhổ răng tại nhà cho trẻ vì dễ gây ra tai biến nghiêm trọng như chảy máu ồ ạt, chấn thương, thậm chí gây tổn thương vùng hàm mặt. Hơn nữa nếu nhổ răng mà không đảm bảo vệ sinh vô trùng thì hậu quả thật khó lường”, BS. Nguyễn Minh Hằng, Khoa Răng hàm mặt – BV Nhi đồng 1 tư vấn.
Kim Anh
Bình luận (0)