Để đáp ứng nguồn cung lao động kỹ thuật cho thị trường trong những năm tới theo dự báo, các trường TC-CĐ đã mở rộng phương thức xét tuyển, tăng chỉ tiêu và có nhiều chế độ, quyền lợi nhằm hút người học.
Sinh viên ngành điện công nghiệp của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành môn học
Mạnh dạn tăng chỉ tiêu, mở ngành mới
Năm 2021, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM (HCE) dự kiến tuyển 2.495 chỉ tiêu cho 23 ngành nghề, trong đó bậc CĐ (15 ngành nghề) tuyển 2.130 chỉ tiêu; bậc TC (8 ngành nghề) tuyển 365 chỉ tiêu. Theo đó, ở bậc CĐ, ngành quản trị kinh doanh có chỉ tiêu cao nhất với 650 chỉ tiêu, kế đến là kế toán: 400 chỉ tiêu; tiếng Anh: 210 chỉ tiêu; kinh doanh thương mại: 110 chỉ tiêu; logistics: 90 chỉ tiêu… Từ dự báo xu hướng việc làm cũng như căn cứ vào đơn đặt hàng của doanh nghiệp, năm 2021, nhiều trường TC-CĐ mạnh dạn tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, năm nay Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM (HOTEC) dự kiến tuyển 1.350 chỉ tiêu (năm 2020 là 1.260 chỉ tiêu) cho 20 ngành bậc CĐ. Riêng bậc TC, tuyển 890 chỉ tiêu (năm 2020 là 870 chỉ tiêu) ở 13 ngành nghề. Dù con số dự kiến tăng không cao nhưng đây là tín hiệu vui trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây. Không chỉ tăng chỉ tiêu cho các ngành nghề thế mạnh, năm nay HOTEC dự kiến mở thêm các ngành mới gồm logistics, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, quản trị khách sạn, bảo trì và sửa chữa khung vỏ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, chế tạo khuôn mẫu và điện tử công nghiệp. Theo nhìn nhận của các chuyên gia việc làm, đây là các ngành nghề hiện doanh nghiệp đang “khát” lao động và có nguy cơ khủng hoảng thiếu trong khoảng 5 năm tới.
Bộ phận tuyển sinh của nhiều trường TC-CĐ cho biết, một số ngành nghề truyền thống công tác tuyển sinh luôn ổn định hàng năm, riêng vài ngành nghề khác chỉ tiêu tăng từ 10-15% so với năm 2020. Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cho rằng việc tăng chỉ tiêu là để đáp ứng nguồn tuyển của doanh nghiệp đã liên kết tạo điều kiện cho người học thực tập, tuyển dụng trước đó.
Bên cạnh việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh cùng nhiều chế độ học bổng, quyền lợi thực tập tại các doanh nghiệp uy tín, nhiều trường TC-CĐ còn mở rộng phương thức xét tuyển trong năm nay. Theo đó, các phương thức xét tuyển gồm: điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT, kết quả học tập năm lớp 12 bậc THPT hoặc tương đương, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM… |
Ông Trần Kim Tuyền (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM) cho biết, dự kiến trường xét tuyển khoảng 1.700 chỉ tiêu cho 14 ngành CĐ và 10 ngành nghề TC trong năm nay. Ngoài chính sách miễn giảm học phí theo quy định, sinh viên theo học ngành cắt gọt kim loại – CNC còn được giảm đến 70% học phí. Mục đích miễn giảm học phí là để thu hút người học, đảm bảo đủ nguồn cung lao động kỹ thuật có tay nghề cho thị trường lao động. Tương tự, Trường CĐ Kỹ nghệ II (HVCT) tuyển sinh hơn 1.000 chỉ tiêu ở bậc CĐ. Trong đó, ngoài chương trình đào tạo thông thường, trường còn dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh các ngành công nghệ ô tô, công nghệ hàn, kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải theo chuẩn của CHLB Đức, cắt gọt kim loại (cơ khí chế tạo), điện công nghiệp, điện tử công nghiệp… theo chuẩn quốc tế. Ngoài chế độ miễn giảm học phí theo quy định, HVCT còn miễn học phí đối với sinh viên học nghề kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải; giảm 70% học phí các ngành kỹ thuật xây dựng, cắt gọt kim loại, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ hàn. Bên cạnh đó, trường còn có chính sách miễn giảm học phí dành cho sinh viên nữ học ngành kỹ thuật.
Đầu tư nghề trọng điểm, ngành mũi nhọn
Dự kiến, năm 2021, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM tuyển mới 371.000 người học, trong đó trình độ CĐ là 45.000 sinh viên; TC 36.000 học sinh; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng: 290.000 học viên. Đồng thời tổ chức đào tạo cho 5.800 lao động nông thôn, đào tạo cung cấp nguồn nhân lực sau tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp, tham gia thị trường lao động của TP; phấn đấu tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo của TP đến cuối 2021 đạt 85,65%.
Trong năm 2020, HĐND TP.HCM cũng đã thông qua chủ trương đầu tư trung hạn nhóm B để phát triển trường nghề chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm, ngành mũi nhọn cho 8 trường TC-CĐ. Cụ thể, Trường CĐ Nghề TP.HCM và Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương được đầu tư phát triển thành trường nghề chất lượng cao; Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức đầu tư nghề trọng điểm; Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Trường TC Quang Trung và Trường TC nghề Củ Chi được đầu tư mua sắm trang thiết bị; Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM đầu tư phát triển ngành cơ điện tử; Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM đầu tư phát triển ngành cơ khí thành ngành mũi nhọn. Ngoài ra, có 7 trường TC-CĐ được đầu tư với tổng kinh phí 35 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm – an toàn lao động thuộc dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” năm 2020. Trong đó, Trường CĐ Nghề TP.HCM đầu tư các nghề điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí: 8 tỷ đồng; Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM đầu tư 2 nghề công nghệ ô tô và quản trị mạng máy tính: 9 tỷ đồng; Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đầu tư nghề điện công nghiệp: 8 tỷ đồng; Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đầu tư nghề công nghệ ô tô: 2 tỷ đồng; Trường TC Nhân Đạo đầu tư nghề quản trị mạng máy tính: 2 tỷ đồng; Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương đầu tư nghề quản trị mạng máy tính: 3 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)