Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đau bụng kinh: Nỗi ám ảnh của phái nữ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đau bụng kinh kéo dài là nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ. Ảnh: T.L 

Theo TS.BS Lê Thúy Tươi thì có khá nhiều phụ nữ thường bị đau bụng kinh, trong đó khoảng 60-70% trẻ gái trong 3 năm đầu dậy thì thường bị chứng này. Vì thế, nếu không được điều trị kịp thời, những cơn đau kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu, suy giảm sức khỏe về sau.
Ngày “đèn đỏ” không bình yên
Chị Hoài An (25 tuổi, quận 3 – TP.HCM) cho biết: “Mỗi lần gần đến ngày “đèn đỏ” là tôi lại thấy lo lắng vì thường bị chứng đau bụng kinh hành hạ, có khi đau liên tục trong 3 giờ liền. Những ngày ấy, tôi chỉ nằm ở nhà ôm bụng, mặt mày tái xanh, ăn gì vào cũng nôn ra hết. Tôi đã khám nhiều nơi, BS bảo không sao nhưng tôi vẫn rất ám ảnh không hiểu mình mắc bệnh gì”. Tương tự, bạn Hải Dung (sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng bị đau bụng kinh, có tháng đau hai ngày, thậm chí có tháng ba ngày mới hết. Mỗi lần như thế Dung hay nôn mửa, đi ngoài liên tục, người vã mồ hôi, chân tay bủn rủn, không còn thiết tha đến công việc làm thêm lẫn học tập nên phải dùng thuốc giảm đau. “Em cũng biết hiện tượng đau bụng kinh là bình thường mà nhiều phụ nữ gặp phải. Nhưng em không biết tại sao có người bị đau, có người không?”.
TS.BS Lê Thúy Tươi giải thích: “Đau bụng kinh là tình trạng đau vùng hạ vị, xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh. Thông thường, phụ nữ từ 14 tuổi đến 49 tuổi hay mắc phải chứng này. Đây là hiện tượng bình thường ở chị em phụ nữ mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu thời gian đau kéo dài, không chỉ một vài ngày mà thậm chí hàng tuần thì cần phải có sự can thiệp của BS bởi đó có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: Bụng, bàng quang hoặc là buồng trứng… Bệnh này không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến vô sinh. Đau bụng kinh thường được chia làm hai loại: Đau bụng kinh nguyên phát (hay gặp ở các bạn nữ mới dậy thì và kéo dài trong 3 năm. Những trường hợp này chỉ cần uống thuốc giãn cơ trơn là sẽ khỏi). Còn đau bụng kinh thứ phát là nếu sau 3 năm dậy thì mà bạn vẫn còn bị những cơn đau thì cần phải đi khám vì có thể bị viêm nhiễm đường sinh dục”.
Những cách giúp giảm đau
TS.BS Lê Thúy Tươi cho biết, chứng đau bụng kinh thường không điều trị bằng thuốc mà chỉ cần dùng các phương pháp làm giảm cơn đau. Bạn có thể chườm nóng, hoặc có thể uống một chút nước gừng. Đây cũng là cách làm ấm bụng để giảm cơn đau. Trước kỳ kinh nguyệt từ 3-5 ngày, bạn nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu. Tránh thực phẩm tươi sống, thực phẩm nhiều gia vị hay các loại thực phẩm lạnh có thể kích thích tử cung, ống dẫn trứng hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau bụng. Không nên ăn nhiều một lúc mà chia thành các bữa nhỏ, tránh những thức ăn gây đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, bạn cũng cần ăn các loại thực phẩm chua như bắp cải muối, salad, nộm, canh chua… bởi nó hỗ trợ khá tốt trong việc giảm cơn đau bụng kinh. Nên giữ ấm cơ thể để thúc đẩy lưu thông máu và thư giãn cơ bắp. Vì thế bạn nên uống nhiều nước ấm, dùng túi giữ nhiệt đặt lên bụng để giúp giảm cơn đau. Đặc biệt là trong đêm trước của chu kỳ “đèn đỏ”, bạn nên đi bộ nhiều hơn để giúp cơ thể thoải mái. Một số vị thuốc đông y như ích mẫu, ngải cứu cũng có tác dụng giảm đau bụng kinh. Bạn có thể sắc rồi lấy nước uống trong những ngày bị chứng này hành hạ. Nếu bạn đau quá mức, các biện pháp kể trên chỉ giảm được một phần thì nên hỏi BS về việc dùng thuốc giảm đau. Còn nếu cơn đau có tính chất khác thường, hay vẫn đau bụng ngay cả khi đã hết kinh thì bạn nên đến bệnh viện khám ngay.
Thu Hiền

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)