Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giảm bớt nỗi lo khi bị sẹo lồi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một ca phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện sẹo lồi trên mặt. Ảnh: T.HIỀN

Sẹo lồi là nỗi lo của rất nhiều người bởi nó gây mất thẩm mỹ và giảm tự tin khi đứng trước người đối diện. Theo TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung – Viện Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc tại TP.HCM: “Do không chăm sóc tốt lúc bị tổn thương hoặc do cơ địa mà sau khi vết thương lành da sẽ gây ra sẹo lồi. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân bị sẹo lồi là do không kiêng cữ trong việc ăn uống”.
Nỗi ám ảnh vì sẹo lồi
Lê Hải My (HS lớp 12 Trường THPT Tân An – Long An) cho biết: “Em bị một vết sẹo lồi ở khớp xương đầu gối do ngã xe máy. Đến nay đã gần một năm rồi nhưng nó vẫn không xẹp, trông rất xấu lại hay bị ngứa. Điều này khiến em rất ngại khi mặc váy ngắn đi dự tiệc tùng, sinh nhật bạn bè. Ngay cả ở nhà lúc nào em cũng phải mặc quần dài để che sẹo. Có người nói với em rằng đây là sẹo lồi do cơ địa, nhưng cũng có người bảo sẹo do phì đại vì lúc bị thương em có ăn rau muống và tôm cua nên sẹo lồi ra. Em rất muốn đi phẫu thuật cắt sẹo nhưng lo sợ bị phản ứng phụ sau khi phẫu thuật nên còn chần chừ”. Tương tự, anh Công Khánh (38 tuổi, ngụ ở Q.7 – TP.HCM) tâm sự: “Sau khi bị bỏng, tôi bị vết sẹo lồi trên ngực trông rất mất thẩm mỹ. Trước đây, tôi đã nhiều lần đến Bệnh viện Da liễu khám và họ đã tư vấn, cho thuốc điều trị nhưng vẫn không thấy giảm sẹo. Tôi rất ngại những khi đi hồ bơi hoặc tắm biển. Mới đây, con trai tôi cũng bị bỏng bô xe, tôi sợ con cũng sẽ bị sẹo lồi nên không biết phải kiêng ăn những món gì và cách ngăn ngừa ra sao?”. BS. Nguyễn Phan Tú Dung cho biết là khi một vùng da bị tổn thương do chấn thương, bỏng hay do phẫu thuật, sau khi da lành thường sẽ để lại sẹo. Sẹo là hiện tượng tự nhiên của quá trình lành vết thương. Da bị tổn thương càng nhiều thì thời gian lành càng lâu và sẹo càng dễ xuất hiện. Tuy nhiên, sẹo gây khó chịu nhất là sẹo lồi, hay gờ lên, có màu đỏ hoặc đỏ sậm hơn so với da xung quanh. Sẹo lồi có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể và thường gặp ở người trẻ, dưới 30 tuổi. Thường sẹo lồi ít gặp ở người già và trẻ em, người có da sẫm màu dễ bị hơn là người da trắng. Sẹo lồi có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp ở những vùng da căng, cử động như ngực, lưng, bả vai. Bệnh nhân cũng cần phân biệt sẹo lồi với sẹo phì đại ở những điểm sau: Sẹo phì đại phát triển ngay sau khi chấn thương nhưng chỉ giới hạn trong ranh giới của sẹo, thường dừng phát triển và giảm sau 1-2 năm.
Những cách cải thiện
BS. Nguyễn Phan Tú Dung khẳng định: “Hiện, sẹo lồi vẫn chưa có phương pháp nào điều trị hết hoàn toàn, chỉ có thể cải thiện được nhờ một số biện pháp như phẫu thuật để cắt bỏ sẹo lồi, sau đó may hai mép da lại tạo một sẹo mới có kích thước nhỏ hơn. Nhưng với một số trường hợp do cơ địa bị sẹo lồi, theo thời gian có thể hình thành một sẹo lồi khác. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được kết hợp thêm một số biện pháp như: Chấm Nitơ lỏng (khí Nitơ được làm lạnh -1970C) vì Nitơ lỏng có tác dụng tiêu hủy mô cứng, sau nhiều lần chấm thuốc, sẹo lồi dần giảm bớt; tiêm Corticoids tại chỗ có tác dụng làm xẹp bớt sẹo lồi; bôi thuốc Contractubex, Hiruscar… Bệnh nhân cũng nên tránh những loại thức ăn như cơm nếp, thịt gà, đồ cay nóng vì sẽ khiến vết thương mưng mủ, lâu lành. Trứng có thể làm vết thương loang lổ, rau muống tăng sinh tế bào gây lồi, còn hải sản dễ gây ngứa ngáy, khó chịu cho da. Khi da đang tái tạo thì nên ăn nhiều thịt vì đó là nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể tự lấy lại sự cân bằng. Các loại rau củ đều có công dụng tốt với các vết thương đang lên da non”.
PHỤNG DIỄM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)